1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chen chân mua loại bánh đặc sản của người Hoa, tiểu thương thu bạc triệu

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tại các chợ truyền thống trên địa TPHCM, trong dịp Tết Đoan Ngọ, các sạp hàng bán bánh bá trạng đông nghịt người mua. Tiểu thương kiếm bạc triệu nhờ bán hàng nghìn chiếc bánh.

Chen chân mua loại bánh đặc sản của người Hoa, tiểu thương thu bạc triệu - 1

Hàng dài người dân chờ mua bánh ú, trái cây tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) sáng nay (Ảnh: Nam Anh).

"Những dịp cao điểm như Tết Đoan Ngọ, mỗi ngày tôi có thể bán được hơn 1.000 cái bánh bá trạng (bánh ú) các loại. Trong 5 ngày, số lượng bán có thể lên đến hơn 2.000 cái", chị Thanh Tài (55 tuổi), tiểu thương bán bánh ú tại chợ Phùng Hưng cho hay.

Từ 6h sáng ngày 22/6 (tức mùng 5/5 âm lịch - Tết Đoan Ngọ 2023), chợ Phùng Hưng (quận 5, TPHCM), chợ Nhị Thiên Đường (quận 8), chợ Bà Chiều (quận Bình Thạnh),... đã có rất đông người đến xếp hàng, chờ mua các loại hàng hóa phục vụ ngày Tết. Thỉnh thoảng, số lượng khách quá lớn, dồn dập, nhiều tiệm phục vụ không xuể khiến không ít khách giận dỗi, bỏ đi vì hết kiên nhẫn.

Chen chân mua loại bánh đặc sản của người Hoa, tiểu thương thu bạc triệu - 2

Một số điểm bán bánh bá trạng tại chợ truyền thống đông người mua từ sáng sớm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Theo đó, mặt hàng bánh bá trạng, bánh đậu xanh, lá xông,… được người dân chuộng mua nhiều nhất. Chị Thanh Tài cho biết, các tiểu thương thường bắt đầu nhập bánh ú từ lò bánh trên địa bàn quận 5, từ mùng 1 âm lịch để kịp phục vụ cho người dân. Để không bị tồn hàng, chị Tài mở sạp từ sáng sớm cho đến hơn 23h mới nghỉ.

Tại sạp hàng "Tài Lộc" của chị Tài có đầy đủ 4 loại bánh bá trạng, bên trong đầy đủ các loại nhân. Dù giá nguyên liệu tăng nhưng giá bánh không thay đổi, dao động từ 70.000 đến 200.000 đồng. Mức giá này nhằm để giữ chân khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường buôn bán ế ẩm.

Chen chân mua loại bánh đặc sản của người Hoa, tiểu thương thu bạc triệu - 3

Không ít tiểu thương không nỡ tăng giá, bởi muốn giữ chân khách hàng trong thời điểm thị trường buôn bán khó khăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Loại bánh này lấy công làm lãi, trừ đi chi phí thì cũng không lời được bao nhiêu. Tôi đã bán ở đây hơn 22 năm rồi, bình thường tôi bán quần áo, chỉ chờ những dịp đặc biệt thế này để bán thêm bán kiếm tiền trang trải. Bản thân tôi may mắn, số lượng bán ra vẫn đều đều như mọi khi", chị Tài nói.

Cách đó không xa, sạp hàng "Như Tuấn" của bà Như (60 tuổi) cũng đắt khách đến mua. Thế nhưng, bà Như cho hay số lượng này đã giảm hơn 50% so với mọi năm.

"Như năm ngoái, nhiều công ty đến đặt một lần mấy trăm cái cho công nhân là chuyện bình thường. Năm nay dù người mua vẫn đông, nhưng người ta chỉ mua số lẻ, lác đác vài cái một lần là mừng rồi", bà Như nói.

Chen chân mua loại bánh đặc sản của người Hoa, tiểu thương thu bạc triệu - 4

Mặc dù lượng khách đông như mọi năm, nhưng sức mua của người dân lại giảm hơn 50% (Ảnh: Nguyễn Vy).

Kinh doanh tại chợ Phùng Hưng khoảng 40 năm, bà Như cho biết đây là thời điểm ế ẩm nhất bà từng thấy, bởi người dân đã thắt chặt chi tiêu hơn. Bản thân tiểu thương cũng không thể giữ bánh cũ bán. Vì đa phần bánh bá trạng tại đây đều lấy từ các lò bánh lớn, không dùng hóa chất nên bánh chỉ có thể giữ được từ 1-3 ngày.

"Người nào bán mà nói bánh có thể giữ được cả tuần, chắc chắn bánh đó có hóa chất, chất bảo quản rất độc hại", bà Như chia sẻ.

Theo đó, những sạp quanh chợ truyền thống có nhiều người đến mua, đa phần là người bán lâu năm, có mối quen. Những sạp hàng mới bán 1-2 năm như chị Thủy (45 tuổi) đều rơi vào cảnh ế ẩm, chỉ có thể nhập theo kiểu bán "cho có".

Chen chân mua loại bánh đặc sản của người Hoa, tiểu thương thu bạc triệu - 5

Quá giờ trưa, nhiều sạp hàng vẫn còn đầy bánh (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Mỗi ngày tôi không dám nhập nhiều, chỉ lấy khoảng vài chục cái thôi. Tôi bán ít hơn những sạp khác nên chỉ bán 2 ngày trong dịp Tết Đoan Ngọ. Những tiểu thương có mối quen, hàng nhiều thì mới cầm cự được trong 5 ngày", chị Thủy bộc bạch.

Đến hơn 11h, không ít sạp hàng bán bánh bá trạng hay vật lễ cúng cho dịp Tết Đoan Ngọ vẫn chưa bán hết. Nhiều tiểu thương cho hay sẽ trụ lại đến khi nào bán hết thì mới dọn hàng về. Bởi bánh bá trạng không thể để quá lâu, nếu không bán hết trong 1-2 ngày sẽ phải đem bỏ.

Chen chân mua loại bánh đặc sản của người Hoa, tiểu thương thu bạc triệu - 6

Người dân thắt chặt chi tiêu nên đa số thường mua số lượng rất ít (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chị Phương Nhi (ngụ quận 4) cho hay chị đã dậy từ sớm để tìm mua bánh bá trạng về kịp đến giờ cúng Tết Đoan Ngọ. Trước đây, chị Nhi thường mua số lượng lớn nhưng năm nay kinh tế khó khăn, chị chỉ mua vài cái để tiết kiệm tiền chi tiêu cho những thứ khác.

"Vì mọi năm đã ăn rồi nên năm nay ăn vài cái… lấy vị thôi. Sáng ra tới chợ thì cũng thấy đông, chen chúc lắm nhưng may mắn cũng mua được vì thấy các sạp còn nhiều. Như trước đây ra trưa quá thì có thể sẽ hết bánh, nhưng năm nay dễ mua hơn hẳn", chị Nhi chia sẻ.