Gia Lai:

Chế tinh dầu quý từ cỏ dại, nữ giảng viên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Từ việc yêu thích mùi hương của thiên nhiên, nữ giảng viên Nguyễn Thị My Sa đã biến cây cỏ thành tinh dầu. Chị còn mạnh dạn trồng cây atisô để làm sinh tố, mứt, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.

Gian nan biến cỏ dại thành tinh dầu

Chị Nguyễn Thị My Sa (sinh năm 1989, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, Gia Lai) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm Huế, chị Sa làm giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Chư Păh (Gia Lai).

Chế tinh dầu quý từ cỏ dại, nữ giảng viên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 1

Nữ giảng viên Nguyễn Thị My Sa xuất phát từ yêu thích mùi hương của cây, cỏ đã quyết tâm chế biến thành công tinh dầu. 

Khi mới vào lập nghiệp ở Gia Lai, chị Sa dành thời gian cuối tuần để đi du lịch với bạn bè. Trong chuyến đi đó, chị đã nhìn thấy rất nhiều loại cỏ, cây có mùi hương đặc biệt nên đã mang về để nghiên cứu.

Mỗi lần hết giờ làm việc trên cơ quan, chị Sa lại dành thời gian buổi tối để nghiên cứu công dụng của các thành phần của các loài cây dược liệu. Chị mong có thể biến những cây cỏ từ thiên nhiên thành tinh dầu hữu ích cho đời sống người dân.

Để học hỏi kinh nghiệm, chị đã tham gia nhóm Hiệp hội tinh dầu Việt Nam, cần mẫn học hỏi kiến thức của chuyên gia và những người thành công trong lĩnh vực chế biến tinh dầu. Đồng thời, chị cũng mày mò và tìm kiếm những công thức chiết xuất tinh dầu trên sách, báo, mạng xã hội…

Chế tinh dầu quý từ cỏ dại, nữ giảng viên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 2

Tinh dầu được chị Sa chưng cất từ cây, lá thiên nhiên.

Năm 2014, chị Sa đã mạnh dạn thử nghiệm làm tinh dầu sả, chanh, hương nhu. Theo chị Sa, những lá này dễ tìm mua, giá lại rẻ, thậm chí khi thu hoạch lấy củ xong người ta còn cho không lá.

Cây hương nhu có rất nhiều ở ngoài đồng, ruộng hay ven đường rất nhiều nên kiếm nguồn nguyên liệu để làm tinh dầu không khó. 

Ban đầu, chị Sa chưng cất bằng nồi thủ công. Vì máy móc dùng còn thô sơ nên trong quá trình tách, chiết để làm tinh dầu chị gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần, chị Sa chỉ tạo ra được rất ít tinh dầu sử dụng hoặc cho ra mùi hương không như mong muốn nên phải bỏ đi.

Chế tinh dầu quý từ cỏ dại, nữ giảng viên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 3

Chị Sa đã thử nghiệm hơn 10 loại tinh dầu như: sả chanh, hương nhu, long não, vỏ cam quýt, tinh dầu quế, tinh dầu bạc hà…

Để khắc phục khó khăn, chị Sa đã đi nhiều nơi để tìm hiểu, học hỏi những chuyên gia trong ngành. Chị Sa chia sẻ: "Khi đó, tôi đã tìm đến các chuyên gia và được họ giúp đỡ. Tôi đã áp dụng theo giải pháp được dạy để chưng cất thành công. Việc chưng cất phải canh lửa, kiểm soát nhiệt độ thường xuyên trong và ngoài nồi".

Trải qua nhiều lần chế biến không như ý muốn, chị Sa đã chưng cất thành công sả chanh, hương nhu với lượng tinh dầu vừa đủ dùng. Thời điểm đó, chị đã dành tặng người thân, bạn bè và số lượng còn lại chị đóng lọ đăng lên mạng xã hội để bán. 

"Mình nghiên cứu cho ra các sản phẩm tinh dầu từ cỏ, cây vì muốn các gia đình tránh lạm dùng thuốc tây để điều trị các bệnh thông thường như: cảm, hạ sốt, nhức đầu, ho hen suyễn đến các bệnh lý mãn tính về dạ dày, gút...", chị Sa cho biết.

Thu hàng trăm triệu đồng từ... nghề "tay trái'

Thử nghiệm bước đầu thành công, chị Sa tiến tới nghiên cứu thị trường và mang những sản phẩm của mình đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quatest 2 tại Đà Nẵng để kiểm nghiệm chất lượng tinh dầu.

Tại đây, tất cả sản phẩm của chị đều được kiểm nghiệm và chứng nhận đạt yêu cầu về chỉ số khúc xạ, tỷ trọng, thành phần đơn hương.  

Chế tinh dầu quý từ cỏ dại, nữ giảng viên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 4

Với những nỗi lực đó, chị Sa đã được cơ quan chức năng hỗ trợ vốn để phát triển kinh doanh.

Năm 2018, chị Sa tiếp tục thử nghiệm các loại tinh dầu như: long não, vỏ cam quýt, tinh dầu quế, tinh dầu bạc hà, tinh chất trầu không, tinh chất tỏi… Ngoài sản xuất tinh dầu, chị còn tạo ra soap tắm thảo dược từ nguyên liệu bột cà phê, bột đông trùng hạ thảo, mật ong rừng và sự sáng tạo trong việc tạo mùi hương của các loại tinh dầu cam, sả chanh.

Năm 2019, chị Sa được Sở Công thương tỉnh Gia Lai hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm thiết bị để phục vụ cho công việc chế biến tinh dầu. Có được máy móc hiện đại, việc sản xuất sản phẩm tinh dầu được thuận lợi và hiệu quả hơn. 

Chế tinh dầu quý từ cỏ dại, nữ giảng viên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 5

Ngoài chế biến tinh dầu quý, chị Sa còn đầu tư trồng hơn 4.000m2 hoa atisô để làm trà, mứt, si rô…

Năm 2020, nữ giảng viên còn trồng 4.000 m2 cây hoa atisô để làm các sản phẩm trà, sinh tố, mứt... Hoa atisô được chị Sa trồng gần 2 năm nay đã thu được hơn 6 tấn. Hiện, chị đang trồng xen thêm các cây cam, chanh, quýt, dâu tằm để làm nguyên liệu chế biến tinh dầu

Với chị Sa, trồng hoa atisô rất dễ, không cần dùng phân bón, thuốc trừ sâu,…chỉ cần gieo hạt và 4 tháng sau sẽ có hoa atisô sử dụng. Chị chế biến hoa atisô hoàn toàn bằng thủ công, tự chế biến tại nhà. Nên sản phẩm của chị luôn chất lượng, được nhiều người tin tưởng lựa chọn.

Mỗi tháng, chị Sa sản xuất với số lượng hàng trăm lọ tinh dầu, xà phòng thảo dược, còn sản phẩm từ hoa atisô tùy vào mùa thu hoạch.

Chế tinh dầu quý từ cỏ dại, nữ giảng viên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 6

Có 4 sản phẩm do chị Sa sản xuất gồm: Tinh chất trầu không bạc hà, tinh dầu sả chanh, tinh dầu long não, tinh dầu hương nhu đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Các sản phẩm của chị chinh phục cả người dùng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, Đắk Lắk… Nhờ vậy, mỗi năm nữ giảng viên ở Gia Lai bỏ túi hơn 200 triệu đồng từ nghề "tay trái".

Trong năm 2020, có 4 sản phẩm do chị Sa sản xuất gồm: tinh chất trầu không bạc hà, tinh dầu sả chanh, tinh dầu long não, tinh dầu hương nhu đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm tinh chất trầu không đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Xà phòng thảo dược của chị đã đạt giải Ba trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ IV năm 2020, do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức.

Mong muốn của chị Sa là được mở rộng quy mô sản xuất với việc xây dựng mạng lưới liên kết với các mô hình chế biến tinh dầu thiên nhiên với người dân trong vùng.