Câu chuyện về những lao động Việt ở nước ngoài trong "cơn lốc" Covid-19
(Dân trí) - "Thời điểm Covid-19 bùng phát, tinh thần tôi lúc nào cũng căng thẳng, hạn chế tối đa việc giao tiếp, thỉnh thoảng chỉ dám gọi về gia đình", chị Vương Thị Xuyến, công nhân tại Hàn Quốc nhớ lại.
Thu nhập giảm vì dịch Covid-19
Sang Hàn Quốc từ năm 2016, chị Vương Thị Xuyến (26 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội) làm cho một công ty sản xuất sản phẩm tinh bột ở quận Yongin-si, tỉnh Gyeonggi-do. Làm 8 tiếng mỗi ngày, khi đó, thu nhập của chị Vương Thị Xuyến 200 nghìn won/tháng, tương đương 30 triệu/tháng.
Vào tháng 4/2020 dịch Covid -19 bùng phát mạnh. Dù công việc vẫn được duy trì nhưng tâm lý người lao động khi đó không khỏi lo âu.
Lo vì công việc liệu tồn tại lâu dài và cả sức khỏe của bản thân, chị Vương Thị Xuyến nhớ lại: "Những ngày dịch bùng phát tôi sống trong lo sợ, nhiều đêm không ngủ được. Công ty đã hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay, tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid -19 nên tôi cũng yên tâm phần nào".
Trong khó khăn, chị được công ty hỗ trợ nơi ở miễn phí. "Nếu không tôi khó có thể xoay sở trong lúc đó", chị Vương Thị Xuyến tâm sự.
Chị Lê Ngọc Anh chia sẻ: "Công ty buộc phải cắt giảm giờ làm để phòng chống Covid-19. Tuy hơi buồn nhưng tôi cảm thấy vẫn may mắn khi còn việc làm".
Cùng hoàn cảnh như chị Vương Thị Xuyến, tháng 8/2019, chị Lê Ngọc Anh (24 tuổi, quê Thanh Hóa) xuất cảnh sang làm việc theo hợp đồng 3 năm tại một công ty cơ khí ở khu Otaku, thành phố Tokyo (Nhật Bản).
Công việc vất vả nhưng giúp chị Lê Ngọc Anh có thu nhập 150 nghìn yên/tháng, khoảng 30 triệu đồng. Giữa tháng 4/2021, dịch bùng phát trở lại. Lương của chị giảm chỉ còn 20 triệu đồng/tháng. Lúc đầu chị hơi hoang mang, sợ bị nhiễm Covid-19, mất việc.
Tiền phòng đắt đỏ, chị phải tiết kiệm chi tiêu, ăn đồ khô và thỉnh thoảng mới ra siêu thị mua đồ về nấu.
Từ khi có dịch, công ty nơi chị Lê Thị Ngọc Anh làm việc không tổ chức các hoạt động thường niên. Công nhân ra vào phải đeo khẩu trang 24/24, đo thân nhiệt, ngồi ăn giãn cách không được tụ tập.
Đỡ bị ảnh hưởng hơn, chị Lê Thị Minh Hằng (28 tuổi), quê Lương Tài - Bắc Ninh. Chị làm việc tại công ty marketing, kiêm thông dịch cho các bệnh viện tại Quận Gangnam, thành phố Seoul (Hàn Quốc).
Nhưng tới 1/2021 dịch bùng mạnh ở Seoul, công ty vẫn cho nhân viên đi làm nhưng cắt giảm giờ làm việc từ 8h còn 6h một ngày. Thu nhập của chị sau khi bị cắt giảm còn 35 triệu đồng/tháng.
Vươn lên vì gia đình nơi quê nhà
Trao đổi với PV về thời điểm khó khăn đó, chị Lê Ngọc Anh cảm thấy có động lực hơn khi nhận được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí. Cuộc sống chưa thay đổi nhiều vì Nhật Bản vẫn cho các quán ăn nhà hàng mở cửa đến 20h. Chị không quá lo lắng vì cộng đồng giờ đây đã có ý thức cao hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh
Để đảm bảo sức khỏe chị Lê Ngọc Anh hàng ngày uống vitamin, uống nhiều nước mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.
Nhớ lại thời kỳ khó khăn vì chống chọi với sự bùng phát của Covid-19, chị Vương Thị Xuyến cho biết: "Ngoài thời gian làm việc, tôi chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như đi mua thực phẩm và thuốc men. Tôi đi chợ một lần trong tuần, hạn chế tiếp xúc và luôn đeo khẩu trang, xịt khuẩn".
Chị Vương Thị Xuyến vệ sinh bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn. Mỗi khi về phòng, chị thường súc miệng bằng nước muối. Chị còn ghi lại những địa điểm đã đến, theo dõi tin tức hàng ngày để cập nhật tình hình dịch bệnh.
"Dù Seoul chưa đến mức báo động đỏ vì dịch bệnh nhưng nơi đây tập trung dân số đông, lượng khách du lịch cũng lớn nên tôi hơi lo lắng. Nhưng dù sao cũng phải cố gắng vượt qua vì bản thân và cả gia đình nơi quê nhà", chị Lê Thị Minh Hằng nhớ lại.
Còn theo chị Lê Thị Minh Hằng, hàng ngày, công nhân ở công ty vẫn được kiểm tra sức khỏe, test nhanh Covid. Công nhân đi làm phải đeo khẩu trang 24/24 và xịt khuẩn liên tục. Chị tự chuẩn bị đồ ăn để đảm bảo an toàn.
Hàng ngày chị tự nâng cao sức khỏe bản thân bằng các hoạt động thể chất đơn giản và vui vẻ khi ở nhà giúp cơ thể khỏe mạnh phòng tránh nhiễm bệnh. Ngoài việc tập thể dục thường xuyên, đúng cách, tích cực vận động chị ăn uống đủ chất, giữ ấm mũi, họng, nâng cao thể trạng.
Theo chị Lê Thị Minh Hằng mọi người nên hạn chế ra đường, nhưng người dân Hàn Quốc có vẻ bình tĩnh hơn vẫn ra đường mua đồ ăn, đi chơi.