“Canh bạc” táo bạo của người bắt vịt trời về nhân giống
Nhận thấy vịt trời là loài phàm ăn, ưa thích môi trường ruộng nước, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở quê, anh Lê Hoài Linh (32 tuổi, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã mạnh dạn mua vịt trời giống từ miền Trung vào để thử nghiệm mô hình chăn nuôi.
Sau hơn một năm nhân giống và phát triển, hiện nay, trang trại vịt trời của anh đã phát triển lên đến 1300 con, trở thành trang trại vịt trời quy mô lớn độc nhất ở huyện Cần Giờ.
Nghỉ nuôi cua, chuyển sang nuôi vịt
Tìm về ấp Bình Thạnh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM), không ít người tỏ vẻ cảm phục trước sự dạn dĩ của anh Lê Hoài Linh khi từ bỏ trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình để đầu tư chăn nuôi vịt trời. Bởi theo anh, ở vùng sông nước này, vịt trời trước đó chưa có ai nuôi, cũng ít người thử vì tâm lý nuôi trồng vật lạ ven sông sẽ có nhiều rủi ro thất bát.
Căn nhà nhỏ của anh Linh được bao quanh bởi sông nước và ngập tràn lá dừa cùng rừng đước xanh tươi. Vùng sông nước mát mẻ làm át đi khí hậu vốn nóng nực của ngày hè. Đâu đó thi thoảng vọng lại tiếng kêu, tiếng đạp vịt liên hồi. Bên ấm trà chiều muộn, với vẻ mặt hứng khởi, anh Linh cho rằng, chính những yếu tố thời tiết này góp phần giúp anh có thể nuôi vịt trời thành công.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, học đến lớp 10, anh Linh nghỉ học giữa chừng để tìm đường mưu sinh. Mong muốn được học nghề ổn định, thoát khỏi vùng quê nghèo chân lấm tay bùn, anh lên TP.HCM học nghề lái xe.
Sau khi tốt nghiệp khóa học, anh xin vào làm việc cho một công ty nhỏ. Mặc dù thu nhập khá ổn, nhưng do tính chất công việc phải thường phải xa nhà, không có điều kiện chăm sóc gia đình, nhất là khi đứa con của anh lại đau ốm liên miên, anh trăn trở nhiều về ý định rẻ sang một hướng khác.
Tay thoăn thoắt cho từng đấu thóc vào chuồng vịt, anh Linh tâm sự, anh biết đến nghề chăn nuôi vịt trời qua những người bạn quê ở miền Trung trong những năm tháng đi lái xe.
Những người này dù đã đi làm nhưng ở nhà vẫn nuôi vịt trời để tăng thêm thu nhập. Biết vịt trời là nguồn thực phẩm lạ ở Cần Giờ, lại khá được ưa chuộng trên thị trường, anh tò mò tìm hiểu đặc tính và kỹ thuật nuôi loài vật hoang dã này.
Nhận thấy vịt trời là loài rất phàm ăn, ưa môi trường ruộng, có ao hồ, anh Linh nghĩ ngay đến diện tích ao ruộng rộng lớn của gia đình mình.
“Diện tích ao hồ của gia đình rất lớn, lên đến vài chục mét vuông. Nhưng ngặt nỗi lúc đó cha tôi đang nuôi trồng thủy sản. Tôi phải thuyết phục cha để chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Cũng may lúc đó việc nuôi cua lột của ông không được tốt lắm, nên ông thoáng một chút do dự rồi cũng gật đầu đồng ý cho tôi thử nghiệm mô hình trang trại chăn nuôi vịt trời”, anh nhớ lại.
Sau khi bán hết số cua lột còn lại trong ao, cộng thêm số tiền dành dụm được trong quá trình đi làm được 20 triệu, anh đặt mua 100 con vịt giống từ miền Trung chuyển vào với giá 100.000 đồng/con. Tận dụng cây lá trong vườn, anh dựng lên chuồng trại cho vịt trên các mô đất trống.
Dù đã có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi vịt nhà, nhưng anh vẫn không tránh được những bỡ ngỡ khi bắt tay vào nuôi vịt trời. Anh cho hay, khó khăn đầu tiên anh gặp phải chính là đàn vịt trời theo tập tính hoang dã thường bay ra khỏi phạm vi ao nhà.
Điều này khiến anh nhiều phen lao đao vì gây ảnh hưởng đến trang trại chăn nuôi tôm cá của những hộ gia đình xung quanh. Để khắc phục tình trạng này, anh đầu tư mua một ít lưới để chắn cao xung quanh. Sau này, khi sống quen dần, những con vịt này trở nên “hiền hơn”, chỉ bay quanh quẩn ở trong ao.
Vì ao ngập nước quanh năm, ở giữa lại có những cây đước có thân cao lớn làm bóng râm, nên vịt thích nghi khá tốt với khí hậu miền Nam. Ban đầu, khi mới mua về, vịt giống mới nở phải nhốt trong chuồng, kiêng gió, nước, chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp trong khoảng 20 ngày.
Sau đó mới thả vào môi trường tự nhiên và cho ăn bằng thóc. Theo anh, vịt ăn cám nhiều sẽ không ngon, nhiều mỡ. Trong khi đó, thóc là thức ăn sạch, an toàn, nên vịt lớn lên đảm bảo sức khỏe, thịt cũng ngon và dai chắc hơn. Sau khoảng 3 tháng chăn nuôi, mỗi con vịt có trọng lượng khoảng 1,1-1,2kg. Đây là thời điểm vịt có thể xuất bán ra thị trường.
Táo bạo nhân giống
Sau 3 tháng, anh chọn lựa những con vịt đều, to, khỏe cho vào một trai nuôi riêng để làm vịt giống. Chỉ sau nữa năm chăm sóc, đàn vịt đã bắt đầu đẻ những quả trứng đầu tiên. Từ số trứng ấy, anh mày mò kinh nghiệm để ấp thử nhằm nhân giống đàn vịt lên.
Song, theo anh Linh, việc nhân giống vịt trời rất khó, đòi hỏi phải có tay nghề và kinh nghiệm rất cao. “Ban đầu, tôi mang rất nhiều trứng ra ấp, nhưng chỉ nở được 10 con. Không hiểu vì sao trứng không nở, tôi mày mò tìm hiểu mới biết nguyên nhân là do nhiệt độ quá cao. Dù vỏ trứng dày, nhưng ấp vịt trời chỉ ở nhiệt độ 34 độ mà thôi”, anh kể.
Cũng theo lời anh, số vịt giống không phải con nào cũng đẻ mỗi ngày, cho nên số lượng trứng không đồng đều. Tỷ lệ đẻ trứng và nở con sau khi ấp chỉ khoảng 70% tổng đàn, vì vậy, giá vịt giống trên thị trường hiện nay khá cao.
Cũng nhờ hình thức nhân giống vịt trời, với việc chỉ mua 100 con ban đầu, cho đến nay, trang trại vịt trời của anh Linh phát triển với con số lên đến 1300 con, trong đó, có hơn 300 con vịt giống. Không chỉ để nhân giống nhằm phát triển trang trại, anh còn bán vịt con cho những người có nhu cầu chăn nuôi.
Dạo quanh ao vườn rộng lớn, anh Linh chỉ vào những chuồng vịt với những lứa khác nhau. Anh hào hứng giới thiệu, số vịt được che chắn kỹ trong chuồng là vịt giống mới nở; số vịt lạch bạch tìm ăn trên bờ là vịt mới lớn; số vịt bơi xa ngoài bờ là vịt có thể xuất bán. Vì lứa này bán đi thì lứa vịt khác vừa kịp lớn lên, cho nên mỗi ngày, anh đều có vịt để cung cấp cho người mua.
Từ khi thấy thành quả chăn nuôi của con phát triển, người cha của anh Linh cũng nhiệt tình giúp đỡ con trai mình. Người cha cho biết, “ban đầu, nó xin nuôi vịt trời trên diện tích ao nhà, tôi hơi ngần ngại vì sợ thất bại, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nhưng sau một thời gian thấy ổn định, tôi cũng ủng hộ nó phát triển trang trại”.
Giờ đây, người cha ở nhà trông coi chuồng vịt, phụ trách việc ấp trứng, còn anh Linh phụ trách ngoại giao, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là điều khiến anh Linh trăn trở nhất. Anh buồn buồn cho biết, trang trại của anh là trang trại với quy mô lớn nhất ở huyện Cần Giờ cho đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, vịt trời là thương phẩm còn khá mới lạ với người dân thành thị, sức tiêu thụ khá chậm, cho nên giá vịt trời không ổn định. Chủ yếu anh bán lẻ cho các nhà hàng với giá 150.000 đồng/con.
“Hiện tại, tôi chỉ bán được cho khách quen mà thôi, chứ một số nơi thấy lạ họ từ chối thu mua. Vịt nuôi nhiều nhưng nếu đầu ra không đáp ứng được, số vịt quá lứa sẽ không bán hết, thịt già quá sẽ không còn ngon nữa. Chỉ khi vấn đề đầu ra có thể tháo gỡ, tôi mới có thể yên tâm phát triển và nhân rộng loại vật nuôi này”, anh tâm sự.
Dù vỏ trứng dày, nhưng ấp vịt trời chỉ ở nhiệt độ 34 độ. Số vịt giống không phải con nào cũng đẻ mỗi ngày, cho nên số lượng trứng không đồng đều. Tỷ lệ đẻ trứng và nở con sau khi ấp chỉ khoảng 70% tổng đàn, vì vậy, giá vịt giống trên thị trường hiện nay khá cao.
Cũng nhờ hình thức nhân giống vịt trời, với việc chỉ mua 100 con ban đầu, cho đến nay, trang trại vịt trời của anh Linh phát triển với con số lên đến 1300 con, trong đó, có hơn 300 con vịt giống. Không chỉ để nhân giống nhằm phát triển trang trại, anh còn bán vịt con cho những người có nhu cầu chăn nuôi.
Theo Báo Pháp luật VN