Nông dân đi học làm... đầu bếp
50 nông dân (ND) ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đang theo học lớp dạy nghề nấu ăn do Hội ND quận phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề quận tổ chức. Họ là những thanh niên, người tàn tật, người già, ND không còn đất sản xuất.
Giáo viên hướng dẫn trang trí món ăn tại lớp học.
Thỏa sức với đam mê
Chúng tôi đến thăm lớp dạy nghề đúng lúc các học viên đang mải mê sáng tạo bên món xườn sào chua ngọt. Tranh thủ vài phút nghỉ giải lao, bà Nguyễn Thị Mão - Lớp trưởng lớp học nghề cho biết: “Lớp học này rất thú vị, ngoài được trang bị những kiến thức về kỹ thuật chế biến, cách trang trí món ăn, học cách pha chế đồ uống như sinh tố, nước ép, chúng tôi còn được thỏa sức thể hiện niềm đam mê với “nghệ thuật” ẩm thực”.
Không khí lớp học luôn lôi cuốn các học viên, sự nhiệt tình của giáo viên và sự náo động của “học trò” khiến lớp học như một sân chơi thực sự. Để không nhàm chán, những buổi học lý thuyết được rút ngắn lại, những giờ thực hành được kéo dài hơn.
Anh Hoàng Mạnh Trí (Yên Hòa, Cầu Giấy), học viên lớp học nghề chia sẻ: “Gia đình tôi đang kinh doanh hàng tạp hóa và có ý định mở thêm một quán ăn sáng phục vụ bà con lối xóm. Tuy nhiên, tôi vẫn loay hoay chưa biết chọn món ăn gì để thu hút khách. Được tin Hội ND quận mở lớp dạy nghề nấu ăn, tôi đăng ký tham gia”.
Theo anh Trí, với các loại bánh được học như xu kem, bánh vòng, hay các món ăn như cơm rang, bánh giò được học, anh có thể đa dạng “thực đơn” ăn sáng trong quán hàng của gia đình mình để làm hài lòng những thực khách mỗi sáng mai. Ngoài ra, việc biết thêm những công thức chế biến món ăn từ Á cho đến Âu như trứng hấp vân, các món bánh Caramen sẽ giúp anh có thể “biến tấu” thành nhiều món ăn khác nhau cho các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức.
“Nếu việc mở hàng ăn sáng phát triển tốt, tôi sẽ lên kế hoạch mở thêm quán ăn phục vụ cả buổi trưa, chiều…”- anh Trí tâm sự.
Học xong được giới thiệu việc làm
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp học cho hay: “Học viên ở lớp học thuộc nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau, vì vậy khả năng tiếp thu kiến thức cũng không đồng đều.
Chính vì thế, để truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất, chúng tôi luôn chú trọng việc soạn giáo án cho mỗi chương trình học. Có thể kết hợp đan xen giữa các buổi học những món ăn đơn giản với những công thức pha chế đồ uống phức tạp và ngược lại để kích thích sự sáng tạo và thu hút học viên”.
Để không nhàm chán, những buổi học lý thuyết được rút ngắn lại, những giờ thực hành được kéo dài hơn. |
Chị Nguyễn Linh Chi- Chủ tịch Hội ND quận Cầu Giấy cho biết: Mỗi năm Hội ND quận mở 2 lớp dạy nghề, đó là lớp dạy tin học và lớp dạy nấu ăn. Thời gian tổ chức lớp vào dịp hè. Riêng đối tượng học lớp nấu ăn là những ND mất đất, không có việc làm, con em gia đình chính sách.
Học viên được học miễn phí, được hỗ trợ toàn bộ dụng cụ, tiền mua nguyên liệu thực hành”. Thời gian học 3 tháng (từ tháng 6-9), mỗi tuần học 3 buổi. Học viên được học cách chế biến, cách trang trí các món ăn Á, Âu; pha chế đồ uống...
Cũng theo chị Chi, kết thúc khóa học các học viên sẽ được cấp chứng chỉ chương trình nấu ăn ngắn hạn và được Hội ND quận giới thiệu tham gia làm việc ở các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn quận.
Theo Báo Dân Việt