Cách nào để tránh trục lợi khi hưởng gói hỗ trợ từ Chính phủ?

(Dân trí) - Có cách nào nhằm hạn chế tình trạng trục lợi khi người lao động và doanh nghiệp cùng thỏa thuận kê khai để hưởng mức hỗ trợ, dù chưa đáp đứng được các tiêu chí trong quy định?

Đây là một trong những thắc mắc của bạn đọc Tuấn Minh (Hải Dương) khi tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến: "Ai sẽ được hưởng lợi từ gói 62.000 tỷ đồng" do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Báo điện tử Dân trí tổ chức sáng ngày 8/5.

Trả lời câu hỏi này, bà Phạm Thị Thanh Việt, Vụ Phó Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: "Một nguyên tắc đặt ra trong Nghị Quyết 42 là việc hỗ trợ đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để trục lợi, chỉ hỗ trợ những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, tức là gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19".

Cách nào để tránh trục lợi khi hưởng gói hỗ trợ từ Chính phủ? - 1

Chương trình giao lưu trực tuyến: "Ai sẽ được hưởng lợi từ gói 62.000 tỷ đồng"

Do đó, những người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì trong DN có 3 điều kiện: Thời gian tạm hoãn thực hiện lao động và nghỉ không lương từ 1/4/2020- 1/6/2020; người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội ngay trước thời điểm tạm hoãn thực hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động phải làm việc trong DN không có doanh thu và không có thu nhập để trả lương.

Đồng thời, hồ sơ để chứng minh các điều kiện mà doanh nghiệp và người lao động phải chứng minh: Danh sách người lao động tạm hoãn phải có xác nhận của công đoàn cơ sở và của BHXH về thời gian tham gia BHXH của mình; bản sao báo cáo tài chính 2019 và Q1/2020 để chứng minh DN không có doanh thu hoặc người sử lao động không có nguồn tải chính để trả lương.

Trình tự, thủ tục để hồ sơ được phê duyệt rất chặt chẽ từ nộp hồ sơ lên cơ quan cấp huyện thì phải được UBND cấp huyện thẩm định, có sự tham mưu của cơ quan tài chính, cơ quan thuế cấp huyện. Sau đó gửi hồ sơ lên Chủ tịch tỉnh để tiếp tục xem xét và phê duyệt.

Bên cạnh đó, chính sách cũng quy định rất rõ về chế tài xử lý vi phạm đối với các đối tượng cố tình trục lợi chính sách thì có thể xử lý về vi phạm hành chính và vi phạm hình sự.

"Do vậy, việc trục lợi từ chính sách sẽ rất khó có thể xảy ra" - bà Việt cho biết.

Cũng tại buổi giao lưu, bạn đọc Phạm Cường (Đắk Nông) băn khoăn về sự khác biệt trong việc hỗ trợ người sử dụng lao động nhận hỗ trợ quy định trong NQ 42/NQ-CP và QĐ 15QĐ-TTg. Cụ thể: NQ 42 quy định "Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên... thì được tạm hoãn đóng BHXH...". Trong khi đó, QĐ 15/QĐ-TTg chỉ quy định từ 20 % lao động tham gia BHXH bị ngừng việc...thì được vay tiền để trả lương...".

"Theo tôi như vậy chưa hợp lý. Vậy xin bà có thể giải thích thêm về việc này" - bạn Phạm Cường bày tỏ.

Trả lời về điều này, bà Phạm Thanh Việt cho biết: "Đây là 2 chính sách hoàn toàn khác nhau đối với người sử dụng lao động. Thứ nhất là chính sách vay vốn để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Thứ 2 là chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất".

Do hoàn toàn khác nhau, căn cứ để tính số người lao động với 2 chính sách cũng khác nhau. Nếu chỉ thoáng nhìn thì tỷ lệ 20% hay 50% là khác biệt bởi vì dựa trên cách tính NLĐ với chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ thì số lao động ở đây căn cứ trên 20% hoặc 30 NLĐ trở lên trong DN bị ngừng việc.

Đối với chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất thì lấy mốc là phải giảm từ 50% tại thời điểm DN lập hồ sơ đề nghị so với thời điểm tháng 1/2020.

Số lao động tính giảm này bao gồm: Số NLĐ chấm dứt HĐLĐ trừ đi số lao động tăng mới; số NLĐ bị ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên; số NLĐ bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ từ 14 ngày làm việc trở lên; số NLĐ thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên.

"Với 2 cách tính về số lao động của 2 chính sách khác nhau nên hoàn toàn hợp lý vì tử số tính về NLĐ là khác nhau" - bà Việt cho biết.