1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Sau 14 năm gắn bó với nghề kỹ thuật, anh Nguyễn Đức Thêm từ bỏ để về quê thực hiện ước mơ trồng rau sạch. Mỗi năm, chàng trai 8X "bỏ túi" hơn 300 triệu đồng/năm từ mô hình trồng rau thủy canh.

8X khởi nghiệp từ rau thủy canh

Tốt nghiệp ngành Kỹ sư nông nghiệp trường Đại học Nông lâm TP.HCM, anh Nguyễn Đức Thêm (sinh năm 1981, thôn 1, thị trấn Phú Hòa, Chư Păh, Gia Lai) về làm Tổ trưởng khai thác cao su và sau đó làm Cán bộ kỹ thuật một công ty cao su tại tỉnh Gia Lai.

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng - 1

Anh Nguyễn Đức Thêm từ bỏ công việc kỹ thuật ở một công ty cao su có mức lương khá cao để về nhà trồng rau theo phương pháp thủy canh.

Trong một vài lần đi du lịch Đà Lạt, anh Thêm bị "hút hồn" bởi những thiết kế trồng rau thủy canh tại đây. Từ đó, anh đã có suy nghĩ sẽ xây dựng một trang trại trồng rau thủy canh tương tự tại địa phương.

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng - 2

Vườn anh trồng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng.

Sau 14 năm gắn bó với công việc phụ trách kỹ thuật chăm sóc cây cao su với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng, anh Thêm đã quyết định từ bỏ công việc này để về thực hiện ước mơ trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh.

"Mô hình trồng rau thủy canh đã nhen nhóm trong tôi từ năm 2015. Thời điểm đó, tôi đã tích cực tìm hiểu về mô hình qua sách, báo, mạng internet, đi vào nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng rau thủy  canh. Xuất thân từ trường nông lâm nên tôi còn vận dụng kiến thức để nghiên cứu, thử nghiệm vườn thủy canh", anh Thêm chia sẻ.

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng - 3

Trồng theo phương pháp này, năng suất cao gấp 4 lần so với trồng rau địa canh, rau đậm vị, tươi, chắc cây hơn.

Từ năm 2018, anh Thêm chỉ thiết kế một mô hình vườn rau thủy canh đơn giản cho gia đình. Anh Thêm dùng những vật liệu bằng ống nhựa PVC để trồng thử nghiệm rau xà lách và cải. Sau hơn một tháng, anh trồng thành công các loại rau, tỷ lệ nảy mầm tương đối.

Vườn rau thủy canh của chàng kỹ sư nông nghiệp

Từ việc trồng thử nghiệm thành công, năm 2019, anh Thêm đã tận dụng mảnh đất hơn 700 m2 để mở rộng mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh. Anh cũng mạnh dạn vay mượn ngân hàng cùng với số tiền tích lũy để đầu tư xây dựng mô hình rau thủy canh có tổng chi phí gần một tỷ đồng.

Với nguồn vốn đó, anh Thêm đã đầu tư mua giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao, lắp đặt mạch điện, nước và xây dựng hệ thống công nghệ thủy canh NFT (công nghệ thủy canh dinh dưỡng màn mỏng). Từ đó, anh bắt đầu trồng rau thủy canh. Các loại rau trồng trong vườn anh Thêm chủ yếu là rau xà lách, rau cải, xu hào...

Lãi lớn từ rau sạch

Sau khi trồng thành công, anh mang những lứa rau đầu tiên của mình tặng bạn bè, người thân để họ thưởng thức rau sạch. Hầu hết mọi người đều khen rau tươi, ngon, đậm vị.

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng - 4

Anh Thêm đã đầu tư vốn gần 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại theo hệ thống công nghệ thủy canh NFT (công nghệ thủy canh dinh dưỡng màn mỏng).

Thông qua mạng xã hội, anh Thêm quảng bá hình ảnh rau thủy canh đến với tất cả bạn bè mà mình quen biết. Khi đã có thương hiệu rau sạch, người dân trong và ngoài tỉnh cũng đã về học hỏi mô hình hoặc đặt hàng thường xuyên cho hệ thống siêu thị, cửa hàng rau sạch.

Trước nhu cầu của thị trường, anh Thêm tiếp tục trồng thêm nhiều loại rau mới để đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn như: cải hoa hồng, cải đuôi phụng, xu hào tím, cần tây…

Vào năm 2020, anh Thêm đã mang rau của mình đi kiểm nghiệm chất lượng, các rau đều đạt chứng nhận đảm bảo an toàn các chỉ tiêu do Bộ Y tế quy định. Sau đó, anh đã bắt tay vào đăng ký giấy phép kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo sự tin tưởng cho khách hàng.

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng - 5

Các loại rau chủ đạo trong vườn anh Thêm là xà lách, cải ngọt, rau muống, su hào, cần tây,…

Chia sẻ về vườn rau thủy canh, anh Thêm cho hay, đây là mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với nhiều ưu điểm như cây trồng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, kiểm soát dinh dưỡng theo công thức chuẩn quốc tế.

Mô hình này cũng giúp tiết giảm nhân công lao động và có thể sản xuất quanh năm, năng suất cao gấp 4 lần so với trồng rau địa canh.

"Rau chủ yếu bị bệnh nhiễm khuẩn hoặc cây yếu, chết do sốc nhiệt. Chính vì vậy, anh phải sử dụng hạt giống ngoại nhập chất lượng cao, giúp cây kháng được bệnh. Bên cạnh đó, anh Thêm thường điều chỉnh lưới trên mái nhà kính để cắt nắng vào buổi trưa và bơm thêm nước vào đường ống để hạ nhiệt cho nước dưỡng cây", anh Thêm cho biết thêm.

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng - 6

Về kỹ thuật, tôi phải chọn được hạt giống tốt, tỷ lệ nảy mầm cao. Khi cho hạt giống cần đổ một ít nước vào mút xốp để giữ ẩm, khoảng 5 ngày, hạt nảy mầm. Cây rau được hơn 10 ngày, sẽ tách ra, cho vào những rọ bằng nhựa và đặt lên hệ thống giá đỡ.

Bỏ việc, kỹ sư về vườn trồng rau thủy canh, kiếm hàng trăm triệu đồng - 7

Anh Thêm mong muốn nhân rộng mô hình cho nhiều người dân địa phương, sau đó là hình thành hợp tác xã để phát triển mô hình rộng rãi.

Khoảng 25 ngày, một lứa rau sẽ cho thu hoạch, trọng lượng trung bình đạt từ 200 - 450 gram/cây và có giá bán từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Sản lượng rau trung bình đạt 13-15 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng... Bình quân mỗi năm, anh Thêm thu về hơn 300 triệu đồng.

Đợt dịch vừa qua, nhiều mặt hàng kinh doanh không thể buôn bán được nhưng vườn rau của anh Thêm không bị ảnh hưởng. Do covid-19, nhiều gia đình ít đi chợ nên thường đặt mua rau của anh, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa giúp phòng, chống dịch.

Nói về dự định tương lai, anh Thêm dự tính sẽ mở rộng mô hình với diện tính khoảng 3.000 m2 để có thể trồng nhiều loại rau khác nhau, mong muốn được nhân rộng mô hình tới người dân địa phương có nhu cầu trồng theo phương pháp này. Từ đó, anh sẽ hình thành một hợp tác xã để tăng cường quảng bá đến nhiều người dân địa phương tiếp cận sử dụng sản phẩm rau sạch nhiều hơn.