Bộ trưởng Lao động: “Cảnh báo trục lợi từ rút bảo hiểm xã hội một lần”

(Dân trí) - Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ tháng 5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cảnh báo tình trạng lạm dụng dịch Covid-19 để sa thải lao động lớn tuổi, trục lợi từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ trưởng Lao động: “Cảnh báo trục lợi từ rút bảo hiểm xã hội một lần” - 1
Lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội

Báo cáo trước cuộc họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới thị trường lao động. 

Theo đó, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 4 đạt 102.000 người, tăng 9 % so với tháng 3; lao động chấm dứt hợp đồng và mất việc vào cuối tháng 4 là 670.000 người, tăng 270.000 người.

Tuy nhiên, sang đầu tháng 5, tình trạng thất nghiệp có dấu hiệu giảm. Số lao động tham gia thị trường lao động gần đây tăng lên, nhất là lực lượng lao động tự do trong khu vực kinh tế dịch vụ.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo không được để diễn ra tình trạng sa thải hàng loạt, nhất là công nhân lớn tuổi và nữ công nhân; Xử lý nghiêm tình trạng trục lợi từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động cũng cảnh báo dấu hiệu một số doanh nghiệp đã lạm dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19 để sa thải, ngừng việc đối với lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ lớn tuổi trong thời gian qua.

Đồng thời, doanh nghiệp đẩy việc hỗ trợ người lao động nghỉ việc sang trách nhiệm của các gói chính sách, nhất là các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

“Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã khẩn trương cùng với một số địa phương kịp thời chấn chỉnh. Tới nay đã không còn hiện tượng này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, thấy rõ lợi ích lâu dài không vì khó khăn do dịch Covid-19 mà rút để hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhất là ở một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ.

Đồng thời, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, thu gom sổ bảo hiểm xã hội để hưởng chênh lệch.

“Để khắc phục tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH và bảo hiểm xã hội VN sẽ nghiên cứu chuyển nhanh từ hình thức sổ bảo hiểm xã hội sang bảo hiểm điện tử, để hạn chế tối đa tình trạng trục lợi, đồng thời tăng cường tuyên truyền và kêu gọi sự đồng thuận của nhân dân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Kiến nghị cấp phép cho lao động nước ngoài trình độ cao

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị nghiên cứu việc duy trì cấp phép lao động trên cơ sở bảo đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

“Đối với chuyên gia và lao động có trình độ đang ở nước ngoài chờ vào Việt Nam, chúng ta cần thực hiện một cách thận trọng giải quyết từng bước cấp phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo ưu tiên là tính cấp thiết của từng ngành” - Bộ trưởng cho biết.

Trong đó cần tập trung vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp, tập trung ưu tiên các nhà quản lý điều hành mà không thể vắng mặt được đi đôi với kiểm soát chặt chẽ với việc phòng chống dịch.

 Hoàng Mạnh