Biến bãi sình lầy thành trại ốc, nông dân đếm con thu tiền
(Dân trí) - Từ mảnh đất ngập úng, anh Nguyễn Thanh An đã cải tạo thành ao nuôi ốc. Bên cạnh ốc thịt, mô hình này còn giúp nông dân trẻ thu nhập cao từ bán ốc giống.
Mô hình nuôi ốc bươu đen đang được anh Nguyễn Thanh An phát triển tại thôn Xuyên An, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Gần 2 năm trước, khu vực nuôi ốc này là một vùng sình lầy, ngập úng quanh năm, việc sản xuất lúa nước không đem lại hiệu quả.
Anh An cho biết ốc bươu là loài vật quen thuộc với đời sống với nông dân. Tuy nhiên ở ngoài tự nhiên, loài ốc bươu đen ngày càng hiếm do ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất của người dân và sự phát triển mạnh của loài ốc bươu vàng.
Năm 2022, anh An quyết định khởi nghiệp nuôi ốc bươu đen bằng việc xin bố mẹ cải tạo mảnh ruộng sình lầy của gia đình. Mảnh ruộng này từng sản xuất lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí có năm mất trắng do ngập úng và nhiễm phèn.
"Bắt tay vào nuôi ốc, tôi đào một ao nước để tạo môi trường sống cho ốc. Tưởng chừng nuôi ốc chỉ cần thả giống xuống thế nhưng kết quả không được như mong muốn. Ốc chậm lớn và chết nhiều, trứng ốc thì bị chuột phá hoại nên vụ sản xuất đầu tiên không thành công", anh An kể lại.
Sau lần thất bại, anh An đầu tư thời gian, nghiên cứu các tài liệu để hiểu rõ tập quán của loài động vật nhuyễn thể này.
Anh An nhận thấy, môi trường sống chính là yếu tố quyết định sự phát triển của ốc bươu đen. Sau đó, anh An cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước, đồng thời làm ao lót bạt để ngăn chuột phá hoại.
Sau khi thành thạo kỹ thuật nuôi, từ tháng 6 năm nay, anh bắt đầu nuôi ốc thương phẩm và bán trứng.
Tùy từng thời điểm, ốc thịt được anh An bán với giá 70.000- 80.000 đồng/kg, trứng ốc khoảng 700.000 đồng/kg và ốc giống có giá khoảng 200 đồng/con/tuần tuổi.
Chủ nhân mô hình nuôi ốc ở xã Đức Xuyên nói thêm: "Nhu cầu tại các chợ đầu mối phía Nam rất lớn. Giá ốc bươu đen thương phẩm và nhu cầu của người tiêu dùng tương đối ổn định, nhiều thời điểm, chúng tôi không có hàng để bán. Đặc biệt, trong mấy tháng gần đây, tôi bắt đầu nhân giống ốc để bán, nhờ đó mà hiệu quả kinh tế cao hơn".
Sau gần 2 năm nuôi ốc, anh An nhận thấy, ốc bươu đen rất nhạy cảm với thời tiết, chính vì thế sau mỗi lần mưa lớn, người nuôi ốc phải rải vôi bột để cân bằng độ pH trong nước.
Ngoài ra, để ốc được sống trong môi trường tự nhiên nhất, trong ao phải bố trí những mảng bèo để ốc tránh nắng và đẻ trứng.
Anh An đã đầu tư 5 ao nuôi ốc và dự định sẽ mở rộng diện tích nuôi trong thời gian tới. Mô hình nuôi ốc của anh An đang tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương.
Ông Hồ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, đánh giá: "Mô hình nuôi ốc của anh Nguyễn Thành An đã khai thác được lợi thế về tự nhiên và nguồn nông sản dư thừa của địa phương.
Trong thời gian tới, địa phương cũng mong muốn mô hình phát triển, tạo việc làm cho lao động địa phương, từ đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của xã Đức Xuyên".