Bí quyết thành công của “Pop Idol”
Trong những năm gần đây, “Pop Idol” đã trở thành một trong những cuộc thi âm nhạc được quảng bá nhiều nhất trên thế giới, với phiên bản xuất hiện tại hơn 70 quốc gia và đài truyền hình. Tại Mỹ là “American Idol”, tại Việt Nam là “Vietnam Idol”... Bài học thành công của thương hiệu “Pop Idol” là gì?
Lịch sử của Pop Idol bắt đầu từ năm 1985, khi hãng Nineteen Entertainment giới thiệu Pop Idol vào nước Anh.
Với hơn 1,7 tỷ lượt bầu chọn bởi người hâm mộ và khán giả, Pop Idol liên tục tục phá vỡ những kỷ lục của truyền hình trong nhiều năm phát động. “Làn sóng Idol” không chỉ bùng nổ tại Mỹ Latin, châu Âu, mà còn lan rộng đến châu Á. Giới trẻ và làng truyền thông Việt Nam cũng bị “hâm nóng” bởi cuộc thi này. Tại Việt Nam, hơn 6.000 bạn trẻ đăng ký tham gia cuộc thi.
Thậm chí, tại Mỹ, một số liệu thống kê không chính thức của Brandchannel, số lượng bạn trẻ bình chọn cho Thần tượng Âm nhạc “American Idol” còn nhiều hơn cả số phiếu dành cho ứng viên chiếc ghế Tổng thống. Vậy đâu là công thức thành công trong việc tạo dựng thương hiệu cho Cuộc thi Thần tượng Âm nhạc số một thế giới này?.
Nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu
Giá trị cốt lõi nhất của Cuộc thi Thần tượng Âm nhạc chính là yếu tố trẻ và tự do thể hiện. Tất cả các bạn trẻ đều có cơ hội thành công ngang nhau, thể hiện như nhau trước ống kính máy quay phim và ban giám khảo. Khán giả quyết định trực tiếp người chiến thắng của cuộc thi. Giới trẻ háo hức với Thần tượng âm nhạc vì họ có cơ hội được một lần chứng tỏ mình là một “ngôi sao” và niềm đam mê ca hát tột bậc của bản thân.
Chính vì thế mà khán giả mỗi nước được chứng kiến phong cách duy nhất của Pop Idol mà không hề nhầm lẫn với những cuộc thi ca hát khác. Đó là nhiệt huyết lên đến cao trào của thí sinh, cách chứng tỏ “mình không giống ai”, những màn ứng khẩu với ban giám khảo. Thí sinh buộc phải thể hiện sự độc đáo, ấn tượng của cá nhân, chấp nhận sự phản hồi của khán giả. Còn khán giả, kể cả người Việt Nam vốn không mấy dễ dãi trong chuyện ăn nói, cư xử của giới trẻ, cũng thông cảm và chấp nhận điều đó bởi nó tạo cơ hội cho giới trẻ được tự do thể hiện “cái tôi” của mình.
Tạo nên giá trị độc đáo của thương hiệu và triển khai, duy trì nó một cách thành công, đó quả là vấn đề không đơn giản chút nào đối với một cuộc thi được triển khai trên khắp thế giới.
Sức sống và hiệu quả lan rộng
Tên gọi ban đầu Pop Idol về sau được duy trì chỉ trong Anh quốc. Thật thú vị khi tất cả các quốc gia tổ chức Cuộc thi Thần tượng Âm nhạc đều căn cứ trên thương hiệu “Idol” để tìm được cái tên phù hợp với đất nước mình: từ Thần tượng Âm nhạc Mỹ “American Idol” đến Thần tượng Âm nhạc Việt Nam “Vietnam Idol”… Quyết định “địa phương hóa” tên gọi Chương trình đã giúp cho sức sống và sự lan tỏa của thương hiệu thêm mạnh mẽ. Đơn giản là người Việt Nam có tiêu chí bình chọn Thần tượng Âm nhạc của riêng họ, và tương tự như vậy đối với người dân Singapore, Cananda hay Mỹ.
Bên cạnh công thức thương hiệu tuyệt vời tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao thương hiệu (franchise) toàn cầu này, thì nó thể hiện tính thích nghi của một chương trình giải trí với văn hóa, thuần phong mỹ tục của từng quốc gia trong hành trình của cuộc thi. Có thể nói, chính yếu tố toàn cầu kết hợp hài hòa với tính “địa phương hóa” đã tạo nên hiệu ứng rộng rãi của cuộc thi.
Tính thích nghi và điều chỉnh cao
Mỗi năm, các cuộc thi “Idol” luôn thu hút được sự quan tâm của công chúng. Đơn giản là họ tò mò năm nay sẽ có những thay đổi gì so với năm trước, có thay đổi bất ngờ nào không… Về cơ bản thì các nguyên tắc, thể lệ của các cuộc thi đều được giữ nguyên vẹn, nhưng khi cần phải thay đổi thì ban tổ chức cuộc thi tại mỗi quốc gia có quyền điều chỉnh lại một cách phù hợp hơn.
Với Vietnam Idol, người xem nhận thấy Ban giám khảo hiền lành hơn so với các ban giám khảo của nước khác, bởi ở Việt Nam không có một yếu tố thu hút người xem như phần lớn các cuộc thi Idol là ban giám khảo đóng vai trò chọc tức thí sinh, qua đó đánh giá phản ứng và phong cách của họ.
American Idol lần thứ 4 đã nâng độ tuổi người tham dự từ 18-24 lên từ 18-28, để thu hút thêm nhiều đối tượng hơn. Ngoài ban giám khảo, các ngôi sao âm nhạc, chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật biểu diễn được mời đến để hỗ trợ cho các thí sinh, giúp họ nhận thấy những điểm mạnh nhất của mình và rèn luyện phong độ của một “ngôi sao” thực thụ.
Pop Idol, American Idol… và Vietnam Idol, các cuộc thi Thần tượng âm nhạc luôn gợi cho người xem cảm giác mới lạ. Thương hiệu chương trình giờ đây gắn liền với sự mới mẻ, sôi động, phong cách chuyên nghiệp và bản lĩnh của các “ngôi sao” âm nhạc trẻ.
Theo Hải Nguyên
Bwportal