Bí quyết giữ nhân lực
Có cơ hội đào tạo, thăng tiến; được động viên kịp thời, phát huy sức sáng tạo... là những yếu tố giúp doanh nghiệp giữ người giỏi
Cách đây không lâu, chị D.T.A quyết định từ bỏ vị trí giám đốc tiếp thị ở một công ty kinh doanh thực phẩm đóng tại quận 1 - TPHCM trở về làm việc tại công ty bảo hiểm nơi chị từng gắn bó suốt 5 năm. Chị cho biết lý do quay về vì đã nhận ra đó chính là nơi có môi trường phù hợp với mình nhất trong quá trình làm việc.
Ra đi rồi lại quay về
Chị T.A cho biết: “Khi đầu quân vào vị trí giám đốc tiếp thị, tôi mong muốn được phát huy hết năng lực cũng như khả năng sáng tạo của mình. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc, tôi hoàn toàn hụt hẫng vì toàn bộ nhân viên phải làm việc theo quy trình có sẵn”.
Ước mơ đem sự sáng tạo, đổi mới công việc không thành hiện thực khiến chị luôn cảm thấy bất an, chán nản.
“Ở công ty cũ, sếp luôn lắng nghe ý kiến, chia sẻ khó khăn với nhân viên thì ở công ty mới tôi khó có dịp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với sếp để trình bày những sáng kiến của mình. Tôi thấy mình không có ích cho công việc nên quyết định quay về”- chị tâm sự.
Cũng mong muốn thử sức ở một doanh nghiệp (DN) khác với công việc quản lý hành chính, chị H.N.C, nhân viên một công ty in đóng tại TPHCM, xin phép nghỉ việc riêng 2 tháng để thử việc ở công ty mới. Thế nhưng, sau đó chị đã quyết định trở về công ty cũ.
Chị cho biết: “Tôi thấy không phù hợp với môi trường làm việc ở công ty mới. Tuy mức lương cao nhưng cơ hội thăng tiến lại không có”.
Giúp nhân viên phát huy tối đa năng lực
Khảo sát của Tổ chức Tư vấn Giáo dục Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiến hành trên 634 cán bộ nhân sự đến từ 437 DN cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến người lao động nghỉ việc. Đó là: Do thu nhập không cạnh tranh (40%), đi tìm cơ hội thăng tiến tốt hơn (35%), xung đột với nhà quản lý (gần 22%), áp lực công việc (16,88%) và do công việc nhàm chán (15,94%).
Khảo sát đưa ra khuyến cáo: Để giữ người giỏi, các DN cần chú trọng chính sách lương, thưởng, phúc lợi, chính sách đào tạo và phát triển nhân tài… Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc nhân sự United Pharma, nhấn mạnh: “Động lực giúp người lao động trụ lại DN chính là cơ hội phát triển, đào tạo. Với những người có mục tiêu rõ ràng, khi họ không thấy được những cơ hội phát triển thì chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác”.
Trong quá trình làm việc, nhiều bạn trẻ cho rằng họ không chỉ gắn bó với DN vì lương mà họ luôn mong muốn có được môi trường làm việc thân thiện, nhân viên giúp đỡ nhau, lãnh đạo hiểu nhân viên.
Ông Trần Kim Ngô, Giám đốc Công ty Xây dựng Minh An (quận 1 - TPHCM), cho rằng nếu người lãnh đạo luôn áp đặt ý kiến lên nhân viên khiến họ không có cảm giác được tôn trọng, được lắng nghe và mất đi sự tự chủ trong công việc sẽ tạo nên mầm mống của sự chảy máu nhân lực. Cách tốt nhất để giữ người chính là biết quan tâm đến nhân viên, động viên, hỗ trợ đúng lúc để họ phát triển tối đa năng lực.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, văn hóa DN không chỉ thể hiện qua việc trả lương theo cống hiến hay năng suất, bảo hộ lao động, BHXH mà còn cả việc tạo điều kiện cho người lao động phát triển. Một môi trường làm việc khuyến khích sáng tạo và cổ vũ cho sự tiến bộ, phát triển của người lao động luôn thúc đẩy sự phát triển DN. |
Theo Nguyễn Huỳnh
NLĐ