1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bị mất việc, người phụ nữ kiện đòi 34 tỷ đồng tổn thất tinh thần

Xuân Duy

(Dân trí) - Bị Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM cho thôi việc, bà Vũ Thị Ngọc Tú kiện yêu cầu bồi thường 37,6 tỷ đồng. Trong đó, phần bồi thường tổn thất tinh thần là... 34 tỷ.

Vào năm 2007, bà Vũ Thị Ngọc Tú (43 tuổi, ngụ tại TPHCM) ký hợp đồng lao động với Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM với vị trí làm việc là chuyên viên phòng dịch vụ lưu ký chứng khoán.

Trải qua nhiều năm làm việc tại ngân hàng, tháng 2/2015, nữ chuyên viên trở thành trợ lý Phó Chủ tịch.

Bị mất việc, người phụ nữ kiện đòi 34 tỷ đồng tổn thất tinh thần - 1

Bà Tú tại tòa. (Ảnh: X.D.).

 Sau 14 năm làm việc tại đây, cuối năm 2020, bà Tú nhận được thông báo doanh nghiệp này có chiến lược thay đổi cấu trúc, cắt giảm chi phí. Do đó, bà Tú sẽ bị cho thôi việc do vị trí bị dư thừa.

Ngày 16/11/2020, bà Tú nhận được yêu cầu nghỉ nguyên lương từ ngày 17/11/2020 cho đến khi Deutsche Bank Việt Nam có thông báo tiếp theo.

"Trong thời gian này, bị đơn đề nghị nguyên đơn không có mặt tại văn phòng, trụ sở của ngân hàng, tiếp cận tài liệu, tài sản hoặc hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng, liên hệ với bất cứ ai là người lao động, quản lý, nhà phân phối, nhà cung cấp, khách hàng hoặc nhà thầu của ngân hàng", thông báo nêu rõ.

Ngày 31/12/2020, bà Tú nhận được thông báo, ngân hàng sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với bà vào ngày 13/2/2021. Tại thời điểm này, mức lương của bà Tú là hơn 100 triệu đồng/tháng.

Tiếp đó, ngày 9/2/2021, phía ngân hàng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Tú. Khi đó, nhà băng chi trả cho bà Tú 455 triệu đồng (tiền cho số ngày chưa nghỉ phép năm, trợ cấp đào tạo…).

Cho rằng phía ngân hàng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bà Tú khởi kiện Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM ra TAND quận 1 yêu cầu bị đơn bồi thường 3,6 tỷ đồng cho những ngày không làm việc do hành vi đơn phương chấp dứt hợp đồng trái luật.

Đồng thời, người phụ nữ này cho rằng phía bị đơn có nghĩa vụ bồi thường 34 tỷ đồng tiền tổn thất về danh dự, uy tín và tinh thần với mình. 

Ngược lại, phía bị đơn khẳng định việc tái cơ cấu là có thật, việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động cũng như thực hiện thủ tục báo trước đã đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, phía ngân hàng cho rằng bà Tú không có tài liệu chứng minh việc bị thiệt hại trên thực tế nên đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Tháng 9 năm ngoái, TAND quận 1 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Tú. Không chấp nhận phán quyết này, bà Tú kháng cáo theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận đơn khởi kiện.

Chiều 19/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại tòa, phía bị đơn nêu quan điểm, nhằm thể hiện thiện chí, công ty sẽ chi trả cho bà Tú 10 tháng lương (hơn 1 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng lý do mình mất việc là bị chèn ép nên không đồng ý với con số phía Deutsche Bank đưa ra.

Trong phần hỏi đáp, đại diện nhà băng lập luận, việc tái cơ cấu là chủ trương của ngân hàng mẹ tại Đức. Thực tế, ngân hàng đã luân chuyển 3 vị trí và cho 3 người thôi việc, trong đó có bà Tú. Đồng thời, đại diện của đơn vị khẳng định, sau tái cơ cấu, vị trí cũ của bà Tú không còn tồn tại và cũng không tuyển người mới.

Giữ nguyên quan điểm kháng cáo, bà Tú cho rằng không có chuyện tái cơ cấu và văn bản thông báo của ngân hàng mẹ đã bị dịch sai nên dẫn tới một số hậu quả.

Sau một buổi làm việc, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để các đương sự nộp tài liệu về lương, công việc, chức vụ của bà Tú tại thời điểm nghỉ việc. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 29/8 tới.