Bị bố mẹ cạch mặt, "cử nhân mắm tôm" bất ngờ kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi tháng
(Dân trí) - Bắt đầu với số vốn 20 triệu đồng, Phi vay mượn bạn bè khởi nghiệp bán bún đậu mắm tôm. Chàng cử nhân Anh ngữ quyết cãi lời bố mẹ nay đã mở được 5 quán bún, lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác.
Quyết tâm khởi nghiệp
Năm 2018, khi còn là sinh viên năm 3 ngành ngôn ngữ Anh, Luân Phi (ngụ TPHCM, 26 tuổi), bất chấp sự phản đối của gia đình để khởi nghiệp với... mắm tôm. Trong tay có 20 triệu đồng tiết kiệm, Phi vay mượn thêm bạn bè 50 triệu và bắt đầu hành trình làm giàu cho bản thân.
"Tôi muốn làm việc gì đó thật khác biệt hoặc ít nhất thay đổi thói quen của mọi người theo hướng tích cực. Tình cờ, tôi thấy rằng món bún đậu nguyên liệu rất rẻ mà quán nào cũng bán với giá cao nên nảy ra ý tưởng bán bún đậu siêu rẻ để ai cũng ăn được", Phi chia sẻ.
Thấy con quyết tâm đi bán bún, mắm tôm, bố mẹ chàng trai không chỉ tức giận mà còn đòi "cạch mặt". Thời điểm đó, những cuộc cãi vã, xung đột trong gia đình cậu cử nhân tiếng Anh xảy ra liên tục. Căn nhà chung trở nên lạnh lẽo, không ai nói chuyện với ai.
"Khởi nghiệp rất vất vả, nếu không được ủng hộ thì càng cô đơn, tủi thân. Tôi đi học mỗi sáng, chiều lo công việc ở quán, đến tối về nhà thì đi thẳng lên phòng ngủ. Nhiều đêm bất lực đến bật khóc, tôi không biết chia sẻ với ai", Phi thừa nhận, khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng.
Từ số vốn ít ỏi, Phi thuê mặt bằng, trang trí biển hiệu đơn sơ, đặt vài bộ bàn ghế nhựa. Để không bị cạn vốn, chàng trai thương lượng với đối tác thanh toán các khoản phí theo kiểu "gối đầu".
Vài tháng sau, học sinh, sinh viên kéo đến quán ăn nườm nượp, Phi bán được 200 phần bún mỗi ngày.
Chưa kịp thở phào vì qua được bước khó khăn ban đầu thì chỉ sau 1 năm, lượng khách giảm dần, lượng hàng bán chỉ còn 20-30 phần/ngày. Nghĩ đến chuyện gồng gánh khoản chi phí khổng lồ mỗi ngày, vừa phải cân bằng với việc học, Phi thoáng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Bán 500 suất bún đậu mắm tôm mỗi ngày
Khó khăn dồn chàng trai 18 tuổi vào đường cùng, Phi chỉ có thể đóng cửa phòng và òa khóc mỗi đêm.
"Không có ai để xin lời khuyên, tôi tự nhủ mình phải cố gắng hằng ngày, miễn là ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua một chút", chàng trai tâm niệm.
Thầm nghĩ "phóng lao thì phải theo lao", Phi cố gắng thay đổi cách phục vụ, trang trí cửa hàng mới mẻ hơn. Kết quả, khách hàng dần trở lại, Phi vực dậy từ "bờ vực phá sản".
"Khách đến ăn khen ngon, tôi hạnh phúc lắm. Nhiều lúc quán đông nghịt, không đủ bàn ghế, khách trực tiếp vào bếp phụ tôi làm món ăn. Nhớ nhất là những hôm mưa to, gió lớn, nước ngập hết quán ăn, tôi và nhân viên ướt sũng. Đó thực sự là một kỷ niệm khó quên", chàng trai kể.
Rồi từ một quán, Phi mở thêm 2 chi nhánh khác, tiếp tục được ủng hộ. Tuy vậy, đợt dịch Covid-19 năm 2021 một lần nữa khiến chàng trai "rỗng túi" sau 3 tháng gồng gánh chi phí.
"Lúc đó gần Tết rồi mà không còn đồng nào trong túi. Tôi vét hết tiền trả lương cho nhân viên, không thiếu một xu. Nhờ vậy, anh em trong quán rất gắn bó, yêu thương chân thành, mọi khó khăn đều bền chí bên nhau", chủ quán bún đậu chia sẻ.
Sau 5 năm khởi nghiệp, Phi đã mở được chi nhánh thứ 5 tại TPHCM. Với mức giá 23.000-46.000 đồng/phần ăn, mỗi ngày, Phi bán 500 suất bún đậu. Bên cạnh đó, chàng trai còn kinh doanh thêm các món nước uống, giúp mang về doanh thu hơn nửa tỷ đồng/tháng, trong đó chi phí dao động 50-80%, còn lại là lãi.
"Thành công ngày hôm nay phải kể đến sự kiên trì, bệnh "lỳ" và nỗ lực. Mỗi ngày trôi qua với tôi là một bài học mới, phải biết cách duy trì hoặc làm tốt hơn ngày hôm qua, dù chỉ là một chút.
Nhưng, nghĩ lại tôi thấy hối hận vì bắt đầu một cách liều mạng, nếu biết lên kế hoạch, tính toán thì đỡ sai lầm, đỡ vất vả hơn rất nhiều", ông chủ tiệm bún đậu khẳng định khởi nghiệp là chuyện phải tìm hiểu, chuẩn bị thật kỹ.
Đến nay, ngoài 5 quán bún đậu, Phi giờ đang điều hành thêm 4 dãy nhà trọ, một quán cà phê và một cơ sở lưu trú ở Đà Lạt. Sắp tới, chàng trai 26 tuổi dự định mở thêm một quán cà phê và một quán bún mới.
Thấy con trai tâm huyết, bố mẹ Phi cũng thay đổi quan điểm, âm thầm ủng hộ anh.
"Quản lý quá nhiều thứ như con dao hai lưỡi, phải biết cách không ôm việc, mọi thứ mới trơn tru. Tôi có một đội ngũ phía sau để giao nhiệm vụ quản lý từng mảng, từng cơ sở kinh doanh. Điều đó giúp tôi tiết kiệm được thời gian và giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc", Phi nhận định.