1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tu nghiệp sinh Việt Nam ở Nhật Bản

Bất đồng ngôn ngữ: chuyện bé, xé to

Do bất đồng về ngôn ngữ nên phần đông tu nghiệp sinh Việt Nam (TNSVN) không thể xử lý, giải quyết công việc của mình trên đất Nhật. Chính vì thế, có những chuyện dù rất nhỏ nhưng do hiểu biết không cặn kẽ, các TNSVN vô tình đã biến thành chuyện to tát.

“Cháy túi” vì... cái răng

Theo quy định của Nhật Bản, khi sang đây tu nghiệp, tất cả TNSVN đều được tham gia chế độ bảo hiểm và được bảo hiểm chữa các loại bệnh, trừ những bệnh về răng. Biết rõ chi phí chữa bệnh về răng ở Nhật rất cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Việt Nam đều dặn dò kỹ người lao động phải kiểm tra và chữa răng cho tốt.

Thế nhưng, đâu phải ai cũng biết khi nào mình bị bệnh nên đã có TNSVN hết sạch tiền chỉ vì một cái răng đau, như chuyện của Bùi Nguyễn Bích Tuyền ở Nhà máy Suzuki Koyo. Một chiếc răng hàm của Tuyền bị viêm, gây sốt cao khiến cô phải vào bệnh viện điều trị mất 10 ngày.

Tổng số tiền điều trị chữa răng lên đến 3.000 USD. Đây là số tiền quá lớn đối với một TNS mới sang như Tuyền. Để chia sẻ với rủi ro này của cô, nhà máy thuộc Nghiệp đoàn Toyota đã trả 1/3 tổng chi phí chữa răng của Tuyền. Thế nhưng do không hiểu rõ chế độ bảo hiểm mà mình được hưởng, Tuyền cho rằng đại diện nhà máy ép cô phải trả khoản tiền chữa răng và cô nhất định không chịu trả.

Không hài lòng với cách xử sự của Tuyền, chủ sử dụng nhà máy định trả cô về nước. Chỉ đến khi có đại diện của Công ty Xuất khẩu lao động và chuyên gia (SULECO) từ Việt Nam sang giải thích thì Tuyền mới vỡ lẽ.

Cách đây không lâu ở thành phố Hiroshima cũng xảy ra một chuyện đáng tiếc. Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản nhận được nguồn tin các TNS ở một nghiệp đoàn đang khiếu nại, đòi biểu tình vì không thỏa mãn với chế độ trả lương làm thêm giờ. Khi xuống nhà máy tìm hiểu, cán bộ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản nhận thấy, nguyên nhân xuất phát từ việc TNSVN không hiểu rõ cách trả lương làm thêm giờ của chủ sử dụng lao động Nhật Bản.

Đi thực tế tại các nghiệp đoàn ở các thành phố khác nhau của Nhật Bản, chúng tôi cũng nghe nhiều TNSVN than phiền về việc năm đầu họ chỉ có thu nhập thấp bằng 1/3 so với người lao động bản xứ làm cùng công việc như họ. “Rõ ràng đi theo chương trình TNS nhưng họ hoàn toàn không hiểu về mục đích, nội dung của chương trình. Họ cứ nghĩ đơn giản là đi Nhật Bản làm việc kiếm tiền là chính.

Lỗi này thuộc về ai?”, ông Lê Văn Thanh, Tham tán Đại sứ, Trưởng ban Quản lý lao động VN tại Nhật Bản đặt vấn đề. Rồi ông trả lời: nguyên nhân dẫn đến sự hiểu lầm này là do các công ty phái cử TNSVN đã nhập nhằng và không giải thích rõ cho TNS trước khi đi Nhật là để tu nghiệp, thực tập kỹ thuật chứ không phải là lao động kiếm tiền. Chính vì vậy, họ chỉ chú trọng điều kiện là người lao động có đủ tiền để đi Nhật Bản hay không mà thôi.

Theo quy định của chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, năm đầu (gọi là giai đoạn TNS), người lao động chỉ được hưởng trợ cấp là 65.000 yên (tương đương 650 USD) và không được làm thêm giờ. Từ năm thứ hai trở đi (gọi là giai đoạn thực tập kỹ thuật), TNS mới được hưởng tiền công và chế độ khác như người bản xứ.

Do hiểu không rõ các quy định này nên nhiều lao động VN mới đặt chân sang Nhật đã muốn làm thêm giờ, đòi phải trả lương cao như người bản xứ. Bài học đắt giá mà nhiều TNS làm việc ở Nghiệp đoàn Kansai (TP Osaka) phải về nước khi vừa kết thúc 1 năm tu nghiệp cũng là do đòi làm thêm giờ không đúng với quy định của phía Nhật.

Có “mũi” nhưng thiếu “lái”…

“Thực tế có nhiều chuyện trục trặc của TNSVN xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ. Do không có cán bộ quản lý của các công ty phái cử TNSVN tại Nhật nên nhiều chuyện tuy nhỏ bị xé thành to dẫn đến hậu quả khôn lường” - ông Lê Văn Thanh nhận xét.

Trong tổng số gần 50 công ty XKLĐ VN được phái cử TNS vào Nhật Bản, hiện chỉ có 10 công ty cử cán bộ sang quản lý lao động của mình. Số còn lại phó mặc việc quản lý theo dõi TNS cho đối tác hoặc để người lao động tự lo và xử lý những trục trặc, rủi ro.

Do ngôn ngữ bất đồng, lại không hiểu rõ phạm vi trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên nhiều TNSVN cảm thấy không an lòng, nảy sinh mâu thuẫn, bất mãn với giới chủ Nhật Bản và công ty phái cử của Việt Nam. Rốt cục, nhiều người trong số họ đã chọn con đường bỏ trốn ra ngoài sống, làm việc bất hợp pháp.

Trong khi các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia các công ty xuất khẩu lao động đều cử cán bộ quản lý sang trợ giúp lao động thì ở Nhật chỉ có số ít công ty làm được điều này. Thực trạng TNSVN ở Nhật hiện được ví như “có mũi mà chưa có lái”.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ này, nhiều công ty VN cho rằng chi phí cử một cán bộ sang Nhật làm quản lý quá lớn vì giá cả ở đây quá đắt đỏ. Thế nhưng, ông Thanh khẳng định: “ Cục quản lý lao động ngoài nước đang yêu cầu các công ty XKLĐ có trên 100 TNS phải cử cán bộ sang Nhật quản lý. Vì hiện nay Ban quản lý lao động VN tại Nhật Bản chỉ có hai người nên không thể bao quát và xử lý các vụ việc phát sinh của TNS kịp thời”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng