Bản thỏa thuận hướng tới lao động đã làm hồ sơ và thi tiếng Hàn

(Dân trí) - “Bản thỏa thuận đặc biệt mới được gia hạn có nội dung giống như lần trước và chỉ tiếp nhận những lao động Việt Nam đã làm hồ sơ và thi tiếng Hàn thành công. Thỏa thuận này không tổ chức kiểm tra tiếng Hàn cho số lao động mới”.

Bản thỏa thuận hướng tới lao động đã làm hồ sơ và thi tiếng Hàn
 Buổi giao lưu, tư vấn pháp luật cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (Ảnh: VP quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc)
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với PV Dân trí liên quan tới thông tin Bản thỏa thuận đặc biệt về tiếp nhận và phái cử lao động sang Hàn Quốc, mới được ký gia hạn giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm & lao động Hàn Quốc hôm 10/4.

Theo đó, nội dung của bản thỏa thuận này về cơ bản giống với bản thỏa thuận cũ được hai bên ký kết trong năm 2013. Bản thỏa thuận gia hạn có giá trị tới ngày 31/12/2015.

Theo Cục Quản lý lao động Ngoài nước, đối tượng của Bản thỏa thuận chia làm 2 nhóm: Những lao động đã thi đỗ trong các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012, tháng 8/2012 và tháng 3/2014 vừa qua nhưng chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn; Những lao động về nước đúng thời hạn và đã đạt một trong các kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt tổ chức sau tháng 12/2011 mà chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
 
Thời hạn 3 tháng 10 ngày tới (tính từ ngày 10/4/2015) là thời gian để phía Việt Nam gửi hồ sơ của những lao động thuộc các nhóm trên sang Hàn Quốc để người sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Hồ sơ của người lao động gửi sang Hàn Quốc sẽ có giá trị trong vòng 1 năm.

Trong đợt tuyển dụng theo MOU đặc biệt này, phía Hàn Quốc đồng ý để Việt Nam đưa lên mạng 5.400 hồ sơ. Trong đó, tối đa 2.900 lao động Việt Nam sẽ được lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, và nông nghiệp.

Đại diện Cục quản lý lao động Ngoài nước cũng cho hay, trong đàm phán ký kết, hai bên đều thống nhất tăng cường thực hiện các biện pháp giảm tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các địa phương có nhiều lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc, tăng chế tài xử phạt nặng, tăng mức ký quỹ lên tới 100 triệu đồng…

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên nhân chính khiến tình trạng lao động bỏ trốn không giảm là ý thức chấp hành còn thấp, các biện pháp xử lý khi họ vi phạm chưa được hiệu quả.
Để đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động thuộc các nhóm đối tượng trên có thể liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi người lao động cư trú hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước để được thông tin chi tiết và hướng dẫn làm lại hồ sơ đăng ký dự tuyển.



“Bên cạnh ý thức kém, việc bỏ trốn ra ngoài còn nhiều vì lao động Việt Nam dễ kiếm việc làm. Mặc dù có nguy cơ bị trục xuất nhưng họ sẵn sàng đối mặt vì mức thu nhập hấp dẫn” - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết.

Theo Trung tâm lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Bản thỏa thuận mới được gia hạn sẽ tạo cơ hội cho hơn nhiều lao động đã đạt yêu cầu qua các kỳ kiểm tra tiếng Hàn thông thường, các kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt từ tháng 12/2011 đến nay.

Bản thỏa thuận đặc biệt được ký kết đúng vào thời điểm phía Hàn Quốc giới thiệu lao động đợt 2 năm 2015 cho các chủ sử dụng lao động lựa chọn. Từ nay đến cuối năm 2015, Hàn Quốc sẽ dành 36.000 chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc theo chương trình EPS, trong đó đợt này sẽ có khoảng 13.000 người lao động được tuyển dụng.

Hoàng Mạnh
Được biết, phía Hàn Quốc thời gian qua đã thông qua nhiều giải pháp quan trọng nhằm giảm tình trạng người nước ngoài cư trú bất hợp hợp pháp, như: Tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh, cấp visa; đẩy mạnh việc truy quét người cư trú bất hợp pháp thông qua việc thành lập các đội liên ngành, nghiên cứu sửa đổi “Luật quản lý xuất nhập cảnh”; miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện, đăng ký về nước…