Bạn là một nhân viên hay nghỉ việc?
(Dân trí) - Theo Luật Lao động hiện nay, một năm người lao động có 12 ngày nghỉ phép. Nhưng với nhiều nhân viên, con số này quá ít, không đủ cho họ ốm đau, chăm con ốm, hiếu hỉ giỗ chạp, đi du lịch…
Chân dung nhân viên thứ nhất:
Chị mới lập gia đình chưa được một năm, công việc cũng tùy lúc bận lúc rảnh. Nhưng chị còn đang học tiến sỹ nên phải dành nhiều thời gian cho việc đến lớp, thi cử, học hành. Còn gia đình và những lúc ốm đau. Chị lại không phải là người khỏe mạnh gì cho cam, mọi người bảo người chị gầy gò như con mắm, sắc mặt lúc nào cũng nhợt nhạt, mệt mỏi. Thế nên chuyện chị nghỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”: nghỉ một buổi, nửa buổi, hay một ngày, thỉnh thoảng 2-3 ngày. Có tháng chị phải xin nghỉ đến 3-4 lần.
Chị cũng biết nghỉ nhiều cũng ngại, nhưng rồi chị biện minh: mình có việc thì mình nghỉ, ốm đau thì nghỉ, công việc không phải là thứ quan trọng nhất nên nếu mệt mỏi thì cứ nghỉ thôi. Nghỉ hết phép thì cứ nghỉ ngày nào trừ tiền lương vào ngày đó, cùng lắm nữa là nghỉ việc, chuyển chỗ làm. Có sao đâu.
Chị thật sự không biết rằng những người làm cùng chị rất chán nản và mệt mỏi vì sự vắng mặt thường xuyên nghỉ của chị. Việc chỉ nghỉ nhiều khiến công việc đình trệ, lúc nhớ lúc quên, không chuyên tâm… Mà thấy chị ốm yếu thế cũng không ai nỡ bắt làm việc nhiều hay cáu gắt, phàn nàn.
Môi trường đi làm luôn yêu cầu công việc là trên hết, không ai có thể thông cảm cho chị mãi được. Sếp cũng bắt đầu đắn đo và suy nghĩ về chuyện đi hay ở của chị.
Chân dung nhân viên thứ hai:
Anh là thanh niên chưa đầy 30 tuổi, nhiệt huyết, tài năng. Chỉ có cái tật ham vui và ham chơi, ham xem đá bóng và đá bóng. Sau những buổi nhậu nhẹt say sưa, thức đêm chơi bài với bạn bè, bi-a hay hát hò là hôm sau anh không thể dậy đi làm cho đúng giờ được. Y như rằng là nghỉ buổi sáng, vì khi thức dậy cũng đã là 11h giờ trưa.
Đi nhậu với công ty thì mọi người biết nên chuẩn bị sẵn tinh thần hôm sau anh đi làm muộn, nhưng khổ nỗi anh lại nhiều bạn bè, lại nhiều chốn, nhiều người để vui chơi. Lại thêm thỉnh thoảng anh còn phải bận cưới xin, ăn hỏi, công việc họ hàng gia đình. Thế nên mật độ anh xin nghỉ làm một buổi cứ dầy đặc, cả ngày thì lâu lâu một lần.
Lý do của anh cũng khá thuyết phục: anh có thể ở lại làm thêm giờ, thức đêm hoàn thành công việc, đi làm cả vào ngày nghỉ nếu cần thiết. Anh lại là người có chuyên môn xuất sắc cơ mà.
Chân dung nhân viên thứ ba:
Ở công ty, cậu chỉ là một nhân viên bình thường, không có gì xuất sắc. Có thể cậu nghĩ công ty không xứng tầm với cậu, hoặc công việc quá chán ngán và tẻ ngắt. Làm việc uể oải, không nhiệt tình, kiểu bất cần đời và lãng tử, nên chuyện đi làm của cậu cũng làng tử. Thích thì cậu đến, không thích thì thôi. Chỉ cần gọi điện cho sếp thông báo thế là cậu ung dung nghỉ ở nhà, chẳng quan tâm đến điều gì nữa.
Lý do thật sự của cậu là: công việc này chán, trước sau gì mình cũng xin chuyển công việc khác. Đến công ty chẳng có việc gì làm, ở nhà có phải hơn không. Thỉnh thoảng đến giải quyết công việc có liên quan đến mình, thế là xong. Thời gian còn lại chuyên tâm đi làm việc khác, sếp có bắt nghỉ thì điều đó cũng chẳng có gì quan trọng đối với cậu.
***
Ai cũng có lý do cho những hành động của mình, và tất nhiên có những lý do chính đáng và không chính đáng. Bạn đi làm là làm việc trong một môi trường tập thể, nên cố gắng đừng để yếu tố cá nhân ảnh hưởng quá nhiều đến công việc. Nếu quá mệt mỏi và bận rộn, hãy bố trí, sắp xếp thời gian cho tốt để không ảnh hưởng tới công việc, gia đình và sức khỏe của mình.
Cần suy nghĩ cho người khác, xây dựng nên một hình ảnh của bản thân không phải là một người thiếu trách nhiệm và làm việc uể oải, còn nếu thật sự chán công việc thì hãy viết đơn xin nghỉ. Việc bạn thường xuyên đi làm muộn hay nghỉ làm sẽ khiến bộ máy tổ chức quản lý của công ty trệch ra khỏi hệ thống, thể hiện tác phong làm việc không chuyên nghiệp và lâu dần mất lòng tin với sếp.
Như vậy, cơ hội cho sự thăng tiến, lương thưởng, công việc quan trọng hay dự án lớn của bạn sẽ bị mất dần và sau này là mất hẳn.
Chi Mai