Ăn cơm chủ thì không thể khởi kiện
Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chậm là do vướng mắc về pháp lý, một số quy định của pháp luật còn bất cập, nhận thức của người lao động và tâm lý e ngại của chính tổ chức Công đoàn khi khởi kiện chủ doanh nghiệp.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động và luôn theo dõi sát sao hoạt động Công đoàn (CĐ), trước thềm Đại hội XII CĐ Việt Nam, luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức và cộng sự đã có bài viết gởi riêng cho Báo Người Lao động trình bày quan điểm về vai trò của CĐ trong đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt là khởi kiện nợ BHXH
Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định rõ tổ chức CĐ cơ sở có quyền: "Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động" (Điều 14).
Tuy nhiên qua gần 2 năm pháp luật trao quyền cho tổ chức CĐ để bảo vệ quyền lợi của người lao động việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Nguyên nhân chính là do vướng mắc về pháp lý, một số quy định của pháp luật còn bất cập, nhận thức của NLĐ và tâm lý e ngại của chính tổ chức CĐ khi khởi kiện chủ doanh nghiệp (DN).
Người lao động yếu thế
NLĐ tại các DN thường là những người yếu thế, chưa hiểu hết các quyền của bản thân theo quy định. Ở một số DN, chỉ có DN và cơ quan BHXH mới biết việc đóng BHXH cho NLĐ như thế nào và ít khi thông tin đến được với NLĐ.
Do vậy, trong nhiều trường hợp, NLĐ không biết quyền của mình bị xâm hại để đứng ra viết đơn để tự mình khởi kiện hoặc ủy quyền cho tổ chức CĐ cơ sở trong DN khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Rất nhiều trường hợp, khi NLĐ nghỉ việc thì không thể rút sổ BHXH, thì lúc này họ mới biết DN đang còn nợ BHXH. Nhiều DN hiện nay tuyển dụng lao động thường ngắn hạn, ký kết hợp đồng thời vụ và sẵn sàng sa thải nếu NLĐ vi phạm, do đó việc tích lũy thời gian đóng BHXH thường không lớn, lợi ích mang lại không nhiều nên một số trường hợp khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động thì bỏ luôn sổ BHXH.
Chính vì sự thờ ơ của NLĐ cho nên nhiều DN không đóng BHXH cho NLĐ hoặc có đóng một thời gian nhưng sau đó thì chây ỳ, nợ BHXH và viện nhiều lý do khác nhau.
Tâm lý e ngại của công đoàn cơ sở
Các tổ chức CĐ cơ sở được hình thành ở các DN, có mối quan hệ chặt chẽ với DN trong việc phối hợp, bảo vệ và chăm lo đời sống cho NLĐ. Tuy nhiên, lương của cán bộ CĐ cơ sở là do DN chi trả. Chính sự phụ thuộc này mà họ e ngại khi viết đơn khởi kiện theo sự ủy quyền của NLĐ. Mặt khác, không phải DN nào cũng thành lập tổ chứcCĐ cơ sở nên việc khởi kiện các DN nợ BHXH là rất khó khăn.
Thủ tục khởi kiện phức tạp
Thủ tục khởi kiện hiện nay theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự rất rườm rà, cứng nhắc, do đó, đa số các hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đều bị Tòa án trả lại vì không đủ điều kiện để thụ lý. Để có thể thụ lý vụ việc khởi kiện cần phải có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo như văn bản hòa giải về giải quyết lao động tập thể; giấy ủy quyền các tổ chức công đoàn cơ sở; ...
Việc ủy quyền này cũng không hề đơn giản nếu như DN có tới hàng ngàn người bị vi phạm quyền lợi BHXH. Chưa kể tới việc liên hệ với từng NLĐ trong suốt quá trình tố tụng khi mà nhiều người đã đi làm việc ở nơi khác.
Luật BHXH và Luật CĐ cũng quy định: CĐcơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, DN chưa thành lập tổ chức CĐ cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa (phải có giấy ủy quyền của NLĐ). Trên thực tế, việc triển khai ủy quyền khởi kiện không đơn giản.
Theo thủ tục, NLĐ muốn ủy quyền cho CĐ cơ sở hay CĐ cấp trên khởi kiện thì phải làm thủ tục xin xác nhận của UBND xã, phường hoặc cơ quan công chứng, đóng lệ phí 130.000 đồng/người. Như vậy, với những DN có hàng nghìn người bị vi phạm quyền lợi BHXH thì phải cần tới hàng nghìn lao động ủy quyền với CĐ sẽ phức tạp. Và khi đó, việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân. Tòa án sẽ phải xử từng vụ một, có nghĩa là phải thụ lý hàng nghìn vụ án nhỏ.
Trao thêm quyền khởi kiện cho CĐ cấp trên
Từ những vướng mắc bất cập như trên cần thiết phải sửa đổi hành lang pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho tổ chức CĐ cơ sở có thể tiến hành khởi kiện DN nợ BHXH mà không cần tới sự ủy quyền của NLĐ. Thủ tục, hồ sơ khởi kiện cần đơn giản hóa, nhanh gọn, vì nhiều cán bộ CĐ cơ sở và NLĐ nhận thức pháp luật còn hạn chế, khó có thể hoàn tất đầy đủ giấy tờ khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án.
Đồng thời nên trao thêm quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho tổ chức CĐ cơ sở cấp trên. Phương án này sẽ tránh được tâm lý e ngại của CĐ cơ sở cấp dưới khi phải trực tiếp khởi kiện DN vì thực tế là cán bộ CĐ cơ sở đang nhận lương từ chính DN.
Bên cạnh đó cần nâng cao kiến thức, hiểu biết của NLĐ về quyền được DN đóng bảo, trả sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mỗi DN cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai thông tin đóng BHXH để NLĐ và CĐ cơ sở nắm bắt, có cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; nghiêm cấm các hành vi trù dập, sa thải NLĐ đã đứng ra khởi kiện DN nợ BHXH. Có như vậy, mới hạn chế tình trạng các DN BHXH xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ như hiện nay.
Theo Báo Người lao động