1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

39 % người lao động chi tiêu tằn tiện, kham khổ và không đủ sống

(Dân trí) - “Phân tích về thu nhập và chi tiêu cho thấy, 12,5% người lao động trả lời thu nhập không giúp họ và gia đình đủ sống. Đặc biệt, 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ, tỷ lệ tăng lên 5,8% so với năm 2017”.

39 % người lao động chi tiêu tằn tiện, kham khổ và không đủ sống - 1

Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) - phát biểu tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát lương và đời sống người lao động năm 2018. Chương trình do Tổng LĐLĐ VN tổ chức chiều 12/7 tại Hà Nội.

Cuộc khảo sát thực hiện ở 25 tỉnh, thành và công đoàn ngành có đông công nhân làm việc, đại diện cho 4 vùng lương, như: Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Bình Dương...Công đoàn ngành xây dựng, công đoàn Tổng Công ty đường sắt VN.

Nhóm khảo sát đã trao đổi thông tin và lấy phiếu tham khảo với 3.008 người lao động thuộc 150 doanh nghiệp ở nhiều loại hình khác nhau. Trung bình mỗi doanh nghiệp 20 lao động, các vấn đề tìm hiểu về lương, việc làm, đời sống, các bức xúc và kiến nghị...

Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay, chỉ 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm là khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

“Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. So với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%, nhưng người lao động có dư dật và tích luỹ chỉ ở mức 17,4 %” - ông Vũ Quang Thọ cho biết.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nói về đời sống công nhân lao động.

Số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%.

Về thời gian làm thêm, ông Vũ Quang Thọ nhận định: “Người lao động buộc phải làm thêm chứ không thích thú gì. Bởi lương thực tế còn thấp. Khoản tiền làm thêm đóng góp phần đáng kể trong tổng thu nhập của người lao động. Đặc biệt, dịp lễ, tết thì càng muốn làm thêm nhiều để có tiền đem về gia đình”.

Tại Phiên đàm phán thứ nhất về điều chỉnh lương tối thiểu 2019, hôm 9/7, đại điện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đề xuất không tăng. Đại diện Tổng LĐLĐ VN đề nghị tăng 8 % lương tối thiểu so với mức của ăm 2018, tương đương với 220.000 - 330.000 đồng trên 4 vùng lương. Mức tăng trên mới nếu được thông qua sẽ đáp ứng 95,4 % mức sống tối thiểu.

Không có ngành nào không làm thêm. Ông Vũ Quang Thọ kể, khi vào Tây Nguyên khảo sát, nhiều công nhân còn chia sẻ dự định sẽ chuyển sang doanh nghiệp khác vì đời sống còn khó khăn. “Lương của công nhân chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, cộng với khoảng làm thêm hơn 1 triệu thì tăng tổng thu nhập lên gần 5 triệu đồng/tháng. Do đó, ai cũng muốn làm thêm”.

Vị Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định: “Nhìn chung, đa số người lao động cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống”.

Liên quan tới cách tính toán các yếu tố trong mức sống tối thiểu, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - cho rằng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia cần điều chỉnh lại nhiều yếu tố nhằm tránh tranh cãi.

Do cách tính mức sống tối thiểu khác nhau nên mức đề xuất tăng lương tối thiểu còn khác nhau giữa Tổng LĐLĐ và Bộ phận kỹ thuật. Ông Lê Đình Quảng đề xuất việc phải có 1 cơ quan khách quan như Tổng cục thống kê đưa ra số liệu tham chiếu độc lập.

“Tôi băn khoăn với việc xác định khái niệm "rổ hàng hoá". Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương lấy ở mức 700.000 đồng cho năm 2018, nhưng năm 2019 lại chỉ có 660.000 đồng?. Trong khi đó, tới thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2018 tăng khoảng 4 %. CPI tăng thì nhất thiết rổ hàng hoá cần phải tính tăng thêm, sao lại tính lùi?” - ông Lê Đình Quảng băn khoăn.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) : Tăng lương tối thiểu là đạo lý và trách nhiệm

“Tăng trưởng kinh tế qua 6 tháng đầu năm 2018 ở mức cao nhất 10 năm. Trong khi đó, Nghị quyết 27 của Hội nghị T.Ư 7 đã nêu rõ đến năm 2020, lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhận định của Chính phủ tại phiên họp mới đây về tình hình kinh tế xã hội, năng lực nội tại nền kinh tế tốt hơn với nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, bức tranh kinh tế sáng sủa hơn. Chính phủ cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính với luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, doanh nghiệp giảm nhiều chi phí chính thức, không chính thức, doanh nghiệp có cơ hội quay lại chia sẻ với người lao động. Với 8 biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có thể quay lại dùng lợi nhuận hỗ trợ người lao động…”

Hoàng Mạnh