1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

11 điều tuyệt đối không nên nói với sếp

(Dân trí) - Đừng bao giờ nói với sếp bạn chán việc, những câu có từ “nhưng” theo sau, hay kêu mệt với sếp…

11 điều tuyệt đối không nên nói với sếp
Khi bạn còn đang tìm kiếm một công việc, bạn dành nhiều thời gian để nghĩ xem mình nên nói gì. Nói gì trong hồ sơ xin việc, nói gì khi trả lời phỏng vấn, nói gì với nhà tuyển dụng sau đó. Khi bạn đã có được công việc, thì việc biết nên nói gì và tránh nói gì cũng quan trọng không kém, nhất là khi bạn nói với sếp.

Trong quá trình làm việc, bạn rất dễ trở nên quen thân với cấp trên. Khi cùng làm việc nhiều giờ đồng hồ trong một môi trường thân thiện, sếp của bạn cũng sẽ giống như một đồng nghiệp trong nhóm. Nhưng bạn không được quên rằng sếp là không phải là một người bạn, mà thay vào đó, sếp là sếp - người có vai trò đối với một phần không nhỏ trong sự nghiệp của bạn khi bạn làm công việc dưới quyền sếp. Tất cả những gì bạn nói và sẽ nói với sếp đều có thể được sử dụng để chống lại bạn.

Dưới đây là 11 trong số những điều mà bạn tuyệt đối không nên nói với sếp:

1. “Tôi chán công việc của mình”

Có thể bạn chán việc, nhưng đừng bao giờ nói với ai ở công ty, nhất là sếp. Một cách tốt hơn là nhận diện những thách thức mà bạn muốn giải quyết rồi đề nghị với sếp cho bạn nhận thêm nhiệm vụ đó, hoặc chuyển nhiệm vụ khác. Không ai muốn biết là bạn có chán việc hay không, vì thế, hãy giữ điều đó cho riêng mình. Hoặc nếu không, bạn sẽ lại rơi vào cảnh phải đi tìm một công việc khác.

2. “Chúng ta sẽ ‘xõa’ chứ?”

Đừng tìm cách sếp rủ sếp tổ chức cuộc vui, nhất là khi đang ở vào thời điểm căng thẳng hoặc không thoải mái. Cho dù bạn có biết rõ về sếp, thì gợi ý này không chỉ dễ bị “chìm nghỉm”, mà có thể chống lại bạn sau đó. Nếu bạn muốn giành được ảnh hưởng, hãy tập trung vào nhiệm vụ được giao, và đừng nói bao giờ gợi ý rằng có một việc khác thú vị hơn để làm.

3. “Đã đến lúc nghỉ chưa?”


Không nên để lại ấn tượng rằng,  bạn cảm thấy lẽ ra đang ở một nơi khác rồi chứ không phải là còn ở lại cơ quan. Cho dù công việc của bạn không thú vị, thì khi đang làm việc, hãy tập trung vào công việc và đừng để người khác nhìn thấy bạn lúc nào cũng “dáo dác” nhìn đồng hồ. Nếu làm vậy, bạn sẽ rất dễ lâm cảnh thất nghiệp.

4. Bất kỳ một câu nào có từ “nhưng” theo sau

Chẳng hạn “Tôi là một người làm việc theo nhóm, nhưng…” hay “Tôi không có ý phàn nàn, nhưng…”. Từ “nhưng” trong những câu này có ý nghĩa phủ nhận hoàn toàn những gì bạn đã nói trong vế trước.  Nếu bạn không muốn phàn nàn, thì sẽ không có từ “nhưng” nào cả. Nếu bạn là một người làm việc theo nhóm, đừng nêu lý do với sếp về việc bạn không hòa đồng với nhóm. Hãy nghĩ kỹ về cách trình bày ý nghĩ của bản thân. Nếu bạn nói những câu tương tự như trên, rất có thể bạn đã nói nhiều lần. Qua nhiều lần, cách nói như vậy sẽ không để lại ấn tượng tốt đẹp với sếp.

5. “(Kêu ca), và tôi không phải là người duy nhất cảm thấy thế này”


Cho dù bạn đang nói những lời đại diện cho những người khác, thì cũng sẽ hiếm khi bạn thành công nếu phàn nàn với sếp như một “phát ngôn viên tự phong” của cả nhóm. Đừng bao giờ tự “bổ nhiệm” mình vào vai trò này. Khả năng cao nhất là sếp sẽ xem bạn như một kẻ phàn nàn đang tìm cách trục lợi từ sự thật rằng các đồng nghiệp khác không lên tiếng.

6. “Tôi mệt quá”

Chẳng ai quan tâm tới bạn mệt ra làm sao. Hãy cố gắng ngủ nhiều hơn khi không làm việc, và nếu cảm thấy mệt khi ở cơ quan, hãy giải quyết vấn đề bằng một cốc cà phê, ra ngoài đi dạo vài phút, hoặc ngủ giấc ngắn trong giờ nghỉ trưa.

7. “Sếp đã bao giờ nghe chuyện…”


Đừng nói chuyện tếu với sếp, những câu chuyện đùa của bạn sẽ chẳng gây cười đâu. Có thể bạn bè của bạn nghĩ bạn là một “nghệ sỹ tấu tài” không chuyên, nhưng đừng nói những câu chuyện đùa với sếp. Khiếu hài hước là khía cạnh rất cá nhân, và rất có khả năng câu chuyện đùa của bạn có thể xúc phạm sếp, hoặc chí ít là khiến sếp cảm thấy không dễ chịu.

8. “Sếp không thể tin được là chồng/vợ/người thân của tôi đã nói/làm gì đâu”

Không bao giờ nên đưa cuộc sống cá nhân của bạn tới văn phòng. Quan trọng hơn cả, đừng chia sẻ những chi tiết bí mật về chuyện đang xảy ra ở gia đình bạn với sếp.

9. “Tôi sẽ bỏ phiếu cho…”

Cũng giống như đối với đời sống riêng tư, bạn không nên chia sẻ quan điểm chính trị với sếp. Tệ hơn cả việc bạn nói với sếp về ý kiến chính trị của bạn là đề nghị sếp chia sẻ những ý tưởng chính trị của sếp. Hãy tránh những việc này. Cho dù bạn nghĩ sếp đồng ý với quan điểm của bạn, thì việc nói chuyện chính trị ở một môi trường làm việc phi chính trị chỉ có thể gây rắc rối cho bạn.

10. “Sếp đã nghe tin mới nhất chưa?”

Ngồi lê đôi mách dưới bất kỳ dạng nào đều không ổn, nhất là khi bạn lôi kéo sếp vào. Đừng chia sẻ bất kỳ chuyện gì bạn nghe được về đồng nghiệp với sếp, và tránh xa bất cứ khi nào có thể những nơi có “buôn chuyện”.

11. “Không, tôi không thể”

Có nhiều tình huống mà ở đó bạn không thể hoàn thành một công việc nào đó. Nhưng nói “không” với sếp khi trình bày thách thức là điều hoàn toàn không khôn ngoan. Một cách khả dĩ hơn là bạn đề nghị sếp cho bạn thêm thời gian để suy nghĩ về công việc để tìm ra cách hoàn thành. Sẽ là hợp lý nếu bạn xin sếp bổ sung nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, cần thiết để giải quyết công việc, nhưng tránh nói “hoàn toàn không thể” nếu bạn có thể làm được.

Phương Anh
Theo AOL Jobs