1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

10 sai lầm “kinh điển” trong quản lý

(Dân trí) - Do bận rộn, do bảo thủ hoặc vì một lý do nào đấy mà người quản lí thường mắc những sai lầm nhưng lại không nhận ra điều đó. Sai lầm này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín người lãnh đạo mà còn không tốt cho tâm lý nhân viên cũng như sự phát triển của toàn công ty.

Dưới đây là 10 sai lầm “kinh điển” của người quản lý:

 

1. Áp đặt chính sách lên mọi người

 

Người quản lí cứ vô tư ban hành chính sách, tự cho là đúng mà không thèm để ý đến thái độ phản ứng của nhân viên, xem có phù hợp với hoàn cảnh không. “Phép vua thua lệ làng”, chính sách quy tắc gì cũng phải hợp lí, “chiều” theo tâm tư nguyện vọng của nhân viên, thế mới mong có hiệu quả.

 

2. Thiếu giao tiếp

 

Giao tiếp luôn là yếu tố quan trọng chủ chốt. Cứ nghĩ mình là sếp nên hạn chế tiếp xúc với “dân đen”, tạo khoảng cách thì không có lợi chút nào. Nhân viên cần biết họ phải hoàn thành nhiệm vụ gì, người quản lí muốn gì ở họ. Nhớ rằng mọi lời “thánh chỉ” phải rõ ràng mạch lạc, và nên làm sáng tỏ mọi ý kiến thắc mắc của nhân viên.

 

3. Không lắng nghe

 

Người quản lí thường đã không chịu lắng nghe nhân viên, không để tâm tìm hiểu xem nhân viên thực sự muốn gì, đó chính là một trong những sai lầm căn bản trong chính sách quản lý. Một người quản lí tốt bao giờ cũng là người thấu hiểu tâm tư của cấp dưới.

 

4. Đơn thương độc mã giải quyết mọi việc

 

Không nên cố gắng tự giải quyết công việc một mình, không chịu tham khảo ý kiến của nhân viên. Cùng chung lưng đấu cật không những giúp nảy sinh nhiều ý tưởng hay mà còn khiến nhân viên có trách nhiệm với công việc hơn vì công sức mình đóng góp.

 

5. Phiến diện một chiều

 

Thấy nhân viên mắc lỗi sai lầm gì là quy kết luôn nhân viên đó không có năng lực, yếu kém, “rũ bỏ” tất cả những cố gắng nỗ lực của họ từ trước thì thật thiển cận. Nhớ rằng khiến trách “vượt mức” sẽ làm nhụt chí mọi người.

 

6. Không nhận trách nhiệm

 

Vì sợ mất thanh danh, uy tín, nên nhà quản lí không dám nhận trách nhiệm về phía mình và đổ vấy cho người khác cho dù đấy là lỗi mình gây ra. Có thể nhân viên im lặng, không phản kháng, nhưng chắc chắn họ sẽ thấy ấm ức, tức tối, từ đó sinh ra ngấm ngầm chống phá.

 

7. Thiên vị

 

Một khi nhà quản lí cư xử thiên vị, không công bằng với một ai đó, đảm bảo sẽ mất uy tín, sự tôn trọng đối với các nhân viên còn lại.

 

8. Nóng vội

 

Không nên tiến hành công việc khi nhân viên chưa hiểu thấu đáo vấn đề, vì sợ tốn thời gian mà cứ để họ “mò mẫm” làm việc, không đào tạo, giải thích cặn kẽ. Đầu tư thời gian công sức một chút nhưng chắc sẽ đem lại hiệu quả hơn, còn hơn là cứ tiến hành rồi quay trở lại con số 0.

 

9. Quá nhiều công nghệ

 

Ứng dụng công nghệ hiện đại rất cần thiết trong xu thế phát triển ngày nay, nhưng hãy cẩn thận. Đừng vì quá chú trọng vào máy móc công nghệ cao mà lãng quên đi năng lực của nhân viên, hoặc ứng dụng nhiều công nghệ không phù hợp, không hướng dẫn rõ ràng, khiến nhân viên lúng túng.

 

10. Không chịu thay đổi

 

Nếu mãi cứ cứng nhắc giữ nguyên những chính sách, bộ máy cổ hủ lạc hậu, công ty sẽ ì trệ, không bắt kịp được với thời đại. Hãy linh hoạt ứng biến để có những thay đổi phù hợp trên nhiều phương diện: về quy tắc điều lệ, chiến lược kinh doanh, tuyển nhân sự, đào tạo nhân viên…

 

Ngọc Bích

Theo Allbusiness