Cẩn trọng với mỹ phẩm trắng da “siêu tốc”

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện và ra quyết định đình chỉ, thu hồi nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da có chứa chất gây độc hại cho cơ thể. Cùng đó, nhiều thẩm mỹ viện có dịch vụ tắm trắng cũng bị “sờ gáy”…

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra sản phẩm làm trắng da tại một cơ sở thẩm mỹ

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra sản phẩm làm trắng da tại một cơ sở thẩm mỹ

 

Mỹ phẩm “ngậm” độc chất

 

Cuối tuần qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế ra quyết định đình chỉ và thu hồi trên toàn quốc 17 sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da của nhà sản xuất Kanebo Cosmetics Inc (Nhật Bản) do trong thành phần có chứa Rhododenol – chất có thể gây ra những mảng trắng bất thường trên da.

 

Trước đó, hãng mỹ phẩm Kanebo cũng đã tự nguyện thu hồi 54 sản phẩm làm trắng da từ khắp châu Á (trong đó có Việt Nam) sau khi có các khiếu nại về những loại mỹ phẩm này gây ra triệu chứng da mất màu, thậm chí không hết đi ngay cả khi ngưng sử dụng mỹ phẩm đó.

 

Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo với những chị em đang ấp ủ hy vọng có được một làn da trắng hồng, quyết tâm “thay đổi làn da” bằng mọi cách, bởi thực tế những nhà sản xuất tự nguyện thu hồi kem trắng da kém chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi các sản phẩm có chứa chất độc hại như vậy đang được bày bán tràn ngập thị trường.

 

Còn nhớ hồi tháng 5/2013, Viện người tiêu dùng Hàn Quốc tiến hành kiểm nghiệm và phát hiện 3 loại sản phẩm làm trắng da xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng thủy ngân và Peroxide vượt quá tiêu chuẩn an toàn từ 500 đến gần 16.000 lần. Tại nước ta, hồi đầu năm nay, cơ quan chức năng Hà Nội đã phát hiện hơn 2,5 tấn mỹ phẩm nhập lậu, đa số có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngay đầu tháng 7 này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra một số cơ sở thẩm mỹ có quảng cáo dịch vụ tắm trắng, kết quả cho thấy hầu hết những loại mỹ phẩm, hóa chất mà các cơ sở sử dụng để tắm trắng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sản phẩm nhập khẩu nhưng chưa được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế.

 

Theo các chuyên gia về da liễu, hóa chất được sử dụng để tắm trắng mà các cơ sở thường sử dụng là AHA (alpha hydroxy acid), glycolic, lactic, citric, tartaric và malic acid. Những chất này đều có tính tẩy mạnh. Còn với các loại mỹ phẩm làm trắng da thường có chứa chất corticoid, nếu hàm lượng chất này ở mức cho phép thì tính an toàn khá cao nhưng dùng nhiều cũng gây ra các phản ứng phụ. Riêng với những loại mỹ phẩm rởm thường có pha trộn nồng độ coticoid cao hơn mức cho phép nhằm đạt được tác dụng làm trắng “siêu tốc”, do đó rất nguy hiểm cho người sử dụng.

 

Nhiều nguy cơ rủi ro

 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu, BV Da liễu Trung ương cho biết, công nghệ tắm trắng được giới thiệu tại các cơ sở thẩm mỹ chủ yếu chỉ có tác dụng tại chỗ. Các loại sản phẩm này thường có tác dụng làm co mạch tức thì, gây hiệu ứng trắng da nhanh nhưng cũng chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, lại có hại cho cơ thể. Bản chất của các loại kem tẩy trắng da, kem lột da đều có chứa những loại hóa chất tẩy. Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ làm bong tróc lớp biểu bì, để lại phần da non. Sản phẩm làm trắng da càng “siêu tốc” bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu.

 

Trên thực tế, BV Da liễu Trung ương từng tiếp nhận nhiều ca tai biến do tắm trắng. Có nhiều người không chỉ bị dị ứng, nổi mụn hay nổi tàn nhang, nốt rám mà còn bị bỏng nhiều nơi trên da, thậm chí mưng mủ, lở loét vì nhiễm trùng da. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Khoa Lazer và phẫu thuật thẩm mỹ - BV Da liễu Trung ương, 2 tai biến hay gặp nhất do sử dụng mỹ phẩm làm trắng da là viêm da tiếp xúc dạng kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng. Nếu nhẹ, bệnh nhân chỉ cần điều trị trong một thời gian ngắn sẽ khỏi, tuy nhiên cũng không ít trường hợp tạo ra mụn nước, tạo ra các mảng hoại tử trên da.

 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, một số sản phẩm tắm trắng, làm trắng da “siêu tốc” được quảng cáo có tính an toàn cao vì thành phần được làm từ thảo dược, tảo biển, sữa non, bột ngọc trai… nhưng tuyệt nhiên không thấy công bố thành phần hóa chất. Trong khi đó, bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào dùng trên da thì các hoạt chất đều có thể thẩm thấu qua da vào máu gây tác dụng không tốt như giãn mạch máu, suy thận - gan, suy đa cơ quan, nhiễm khuẩn huyết... Các chuyên gia nhấn mạnh, màu sắc da của cơ thể là do gene di truyền, tính chất chủng tộc quyết định, vì vậy chúng ta chỉ có thể nhờ các tác động bên ngoài giúp làn da mịn màng và sáng hơn chứ không thể có chuyện sau tắm trắng, dùng mỹ phẩm làm trắng sẽ có được làn da trắng bóc lâu dài.

 

Theo Nguyễn Phan

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm