Zimbabwe siêu lạm phát, tỷ phú giàu nhất nước cũng “lặn” mất tăm
(Dân trí) - Ông Emmerson Mnangagwa, Cựu phó chủ tịch đảng Zanu PF cũng là người đàn ông giàu nhất Zimbabwe, đã lẳng lặng rời khỏi Zimbabwe sau khi ông bị lật đổ khỏi Chính phủ và nước này rơi vào tình trạng siêu lạm phát.
Cụ thể, theo The Citizen, ông Emmerson Mnangagwa được coi là người giàu có nhất ở Zimbabwe. Ông này có quan hệ mật thiết với Đại tá Lionel Dyck, một sĩ quan da trắng của quân đội Rhodes cũ thành lập nên Mine Tech, một công ty rà phá bom mìn với những hợp đồng béo bở từ Chính phủ Zimbabwe để dọn bom mìn ở biên giới nước này sau chiến tranh.
Theo đó, các nguồn tin khác, bao gồm cả các cơ quan truyền thông của Zimbabwe và Anh cáo buộc rằng ông Mnangagwa đã kiếm được bộn tiền trong khi ông làm thư ký tài chính ở đảng Zanu PF.
Báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2002 và 2003 cho rằng, ông còn là một trong những người khai thác khoáng sản bất hợp pháp ở Congo.
Hơn nữa, The Citizen tiết lộ rằng, ông Mnangagwa đã kiểm soát đế chế kinh doanh của đảng Zanu PF tỏa khắp các lĩnh vực béo bở như các cửa hàng miễn thuế, ngân hàng, hàng không, khai thác mỏ, bán lẻ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp và sản xuất.
Theo đó, tài sản của ông Mnangagwa vào khoảng 17.336.136 USD (tương đương gần 400 tỷ đồng) khi ông làm đại biểu Quốc hội Zimbabwe, và ông cũng được nhận 22.880 USD/năm khi làm đại diện đảng Zanu PF.
Tuy nhiên, theo tờ All Africa, ông Mnangagwa đã lẳng lặng rời khỏi Zimbabwe sau khi ông bị lật đổ khỏi Chính phủ vào tuần trước và có nguồn tin cho hay ông đang ở Nam Phi trong khi các nguồn tin khác cho rằng ông này đã trốn sang Trung Quốc.
Lần cuối cùng ông được nhìn thấy là khi ông cố gắng vượt qua Mozambique thông qua biên giới Forbes Border Post tại Mutare ngay sau khi bị lật đổ.
Ngày hôm qua, Thư ký Tài chính của đảng Zanu PF, ông Obert Mpofu đã nói với các phương tiện truyền thông ở Thủ đô Harare rằng nơi ở và sự kín tiếng của ông Mnangagwa cho thấy ông ta đã có sự ăn năn.
“Ông ấy là một cán bộ có kỷ luật và đã bị những thế lực tiêu cực tấn công nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh để mang lại những điều tốt cho cục diện chung. Tại thời điểm này, tôi không thể nói ông ấy đang ở đâu nhưng ông ấy sẽ trở lại sớm thôi”, ông Mpofu nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Pháp luật, ông Patrick Chinamasa cho biết ông Mnangagwa sẽ trở lại đảm nhận chức vụ khi an ninh của ông được đảm bảo.
Ông Chinamasa nói: “Chúng tôi đã có kế hoạch rõ ràng cho việc chuyển giao quyền lực và ông Mnangagwa sẽ quay trở lại để đảm nhận vai trò lãnh đạo”.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, ông Chris Mutsvangwa, cũng không bình luận gì về nơi ở của ông Mnangagwa mà chỉ nói rằng gia đình ông Mnangagwa đang ở một nơi an toàn nhất mà không ai có thể đoán ra được.
“Tôi không biết ông Mnangagwa đang ở đâu vào lúc này và nếu tôi biết thì tôi cũng sẽ không nói vì lo ngại về vấn đề an ninh, nhưng tôi biết ông ấy an toàn và sẵn sàng lãnh đạo chúng tôi”, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh cho hay.
Theo Financial Times, lạm phát tại Zimbabwe đạt đỉnh năm 2008, khi giá cả tăng gấp đôi trong 24 giờ. Giờ đây, siêu lạm phát cùng biến động chính trị đã phá vỡ nền kinh tế Zimbabwe vốn rất tiềm năng.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục, dịch vụ công đình trệ, nền kinh tế Zimbabwe suy giảm 18% trong năm 2008.
Lạm phát quá tồi tệ khiến quốc gia này phải bỏ hẳn đồng Zimbabwe để thanh toán bằng USD, 7 đồng tiền khác trong khu vực và giờ là cả đồng tiền ảo Bitcoin.
“Tình hình hiện tại thật đáng buồn khi biết rằng quốc gia này có mỏ kim cương, than đá, đồng, sắt hay bất kỳ tài nguyên nào bạn có thể kể tên. Tôi nghĩ nền kinh tế Zimbabwe sẽ hồi phục nhanh chóng nếu quyền lực ở trong tay đúng người”, bà Funmi Akinluyi, chuyên gia quản lý quỹ tại châu Phi của Silk Invest cho hay.
Hồng Vân (Tổng hợp)