Xung đột Nga - Ukraine chấn động tài chính toàn cầu, với Việt Nam có khác?

Mai Chi

(Dân trí) - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra làn sóng gây chấn động thị trường tài chính quốc tế và tác động lớn đến giá cả hàng hóa.

Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng tại VinaCapital - tác động trực tiếp của những diễn biến địa chính trị này đối với nền kinh tế Việt Nam là rất khiêm tốn. Điều đó giúp giải thích tại sao chỉ số VN-Index chỉ bị bán tháo khoảng 2% kể từ ngày 23/2 bất chấp những sự kiện chưa từng có này.

Hạ triển vọng tăng trưởng năm 2022

Theo phân tích của ông Kokalari, rủi ro lớn nhất trước mắt của Nga là giá dầu và giá hàng hóa tăng cao có thể làm tăng lạm phát CPI của Việt Nam lên 1-2% điểm.

Đại diện VinaCapital cũng lo ngại về khả năng đồng USD tăng đột biến, đột ngột sẽ khiến giá trị của VND mất giá 1-2% so với USD. Vậy nhưng, VND mất giá không phải là kịch bản mà nhóm phân tích này muốn nhấn mạnh vì tỷ giá hối đoái USD/VND về cơ bản được cho là không thay đổi kể từ khi cuộc chiến diễn ra do giá trị của VND được hỗ trợ tốt bởi nhiều yếu tố cơ bản.

Xung đột Nga - Ukraine chấn động tài chính toàn cầu, với Việt Nam có khác? - 1

Chứng khoán thế giới bị chao đảo khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra (Ảnh minh họa: BI).

Theo VinaCapital, các mối liên kết kinh tế trực tiếp giữa Việt Nam và Nga là khá nhỏ, mặc dù 2 nước có mối quan hệ bền vững. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 3,2 tỷ USD) sang Nga, chiếm dưới 1% tổng sản lượng xuất khẩu trong khi sản lượng nhập khẩu hàng hóa từ Nga sang Việt Nam cũng chỉ chiếm dưới 1%, và lượng khách du lịch từ Nga tới Việt Nam (trước Covid-19) chiếm dưới 4% tổng lượng khách du lịch.

Về mặt hàng quan trọng là phân bón, trong năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 145 triệu USD từ Nga. VinaCapital ước tính con số này chiếm chưa đến 10% lượng phân bón được sử dụng tại Việt Nam.

Ông Michael Kokalari lưu ý rằng, Việt Nam có một ngành công nghiệp phân bón trong nước mạnh, bao gồm hai công ty niêm yết khá lớn là Đạm Phú Mỹ (mã DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) với tổng doanh thu gần 1 tỷ USD vào năm ngoái.

Tuy nhiên, về mặt hàng than đá, khoảng 10% lượng than nhập khẩu của Việt Nam là từ Nga. Nga là nguồn cung cấp than lớn thứ 3 sau Australia và Indonesia cho Việt Nam, dù nước ta có trữ lượng than dồi dào ở miền Bắc, đặc biệt là than antraxit có giá trị cao.

Cuối cùng, mặc dù Việt Nam sản xuất một lượng đáng kể dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá nhưng lại không hoàn toàn độc lập về năng lượng và VinaCapital ước tính rằng Việt Nam có mức thâm hụt năng lượng khoảng 1% GDP (tức Việt Nam là một nước nhập khẩu ròng năng lượng thuộc loại nhỏ).

Sự thâm hụt năng lượng này - trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao - cùng với thực tế là giá dầu cao sẽ làm chuyển hướng thu nhập của một số người tiêu dùng địa phương từ chi tiêu cho hàng tiêu dùng sang chi tiêu cho xăng dầu, việc này sẽ ảnh hưởng phần nào đến tăng trưởng GDP trong năm nay.

Cụ thể, lực cản đối với nền kinh tế Việt Nam là giá năng lượng tăng cao, cộng với việc chậm trễ trong việc tái khởi động toàn bộ hoạt động du lịch nước ngoài khiến VinaCapital phải hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 1 điểm phần trăm xuống 6,5% trong năm nay.

Sự tăng giá toàn cầu sẽ ảnh hưởng thế nào đến CPI?

Giá dầu toàn cầu đã tăng gần 40% sau sự kiện Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm trước.

Giá xăng bán lẻ của Việt Nam cũng tăng gần 20% so với đầu năm tại thời điểm Nga đưa quân sang Ukraine và giá xăng ở Việt Nam nhìn chung diễn biến theo giá thế giới, mặc dù có độ trễ. Chuyên gia VinaCapital ước tính tỷ lệ lạm phát chính của Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,5% điểm do giá dầu toàn cầu tăng vọt kể từ thời điểm chiến sự bắt đầu.

Chuyên gia trưởng của công ty này lưu ý rằng, giá xăng dầu chiếm 3,6% trong rổ tính CPI của Việt Nam và giả định việc tăng giá xăng lớn cũng sẽ có tác động gián tiếp góp phần làm tăng lạm phát.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức tăng CPI của Việt Nam đã giảm từ 1,9% so với cùng kỳ vào tháng 1 xuống 1,4% trong tháng 2, do đó, sự leo thang của lạm phát do giá dầu cao hơn mà Vinacapital dự đoán sẽ khiến lạm phát ở Việt Nam vào khoảng 3%, vẫn thấp hơn mức Chính phủ đã nêu mục tiêu lạm phát tối đa 4% cho năm 2022.

Cuối cùng, gần đây dư luận đang "nóng" lên việc người dân Việt Nam đang phải gánh 15% thuế môi trường khi đổ xăng, do đó Chính phủ có phương án tạm thời bỏ khoản thuế này để kiểm soát tỷ lệ lạm phát nếu cần. VinaCapital ước tính rằng việc giảm thuế môi trường sẽ làm giảm tỷ lệ CPI của Việt Nam khoảng 0,5% điểm.

Xung đột Nga - Ukraine chấn động tài chính toàn cầu, với Việt Nam có khác? - 2

VN-Index giảm điểm nhưng không bị ảnh hưởng quá sâu bởi chiến sự tại Ukraine (Ảnh chụp màn hình).

Giá lúa mì tăng khoảng 50% kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra đã được báo chí kinh doanh quốc tế đưa tin rộng rãi nhưng lúa mì và các loại ngũ cốc khác đóng góp rất nhỏ vào rổ tính CPI của Việt Nam. Trong khi đó, giá gạo - vốn chiếm hơn 3% của CPI của Việt Nam - hầu như không tăng trong những tuần gần đây.

Theo tìm hiểu của VinaCapital, khoảng 20% chi phí sản xuất lúa là phân bón nhưng giá phân bón ở Việt Nam cũng không biến động nhiều kể từ thời điểm chiến sự nổ ra - mặc dù điều này có thể thay đổi trong những tháng tới. Cuối cùng, giá kim loại công nghiệp đã tăng trên khắp thế giới nhưng tính đến thời điểm này, giá thép - kim loại công nghiệp quan trọng nhất ở Việt Nam - chỉ tăng khoảng 6% kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

VND khó mất giá sâu hơn 2%

Dòng vốn FDI tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong tháng 2 lên 2,7 tỷ USD và thặng dư thương mại của Việt Nam có khả năng phục hồi từ mức 1% GDP vào năm 2021 lên mức thặng dư 4-5%/GDP, tiếp tục tăng theo kịch bản điển hình trong những năm gần đây.

Hơn nữa, mức thặng dư thương mại của Việt Nam đã bị suy giảm trong năm 2021 do đại dịch Covid-19 khi các công ty FDI không thể vận hành nhà máy hết công suất trong năm nhưng đơn đặt hàng xuất khẩu của các công ty đã tăng đột biến trong những tháng gần đây, theo khảo sát chỉ số PMI của Việt Nam.

Với bối cảnh hỗ trợ đó, lo ngại về việc VND mất giá có thể là điều đáng ngạc nhiên, nhưng rủi ro mất giá bắt nguồn từ các yếu tố ngoại sinh không liên quan đến Việt Nam. Ngay khi Nga đưa quân vào Ukraine, chỉ số US Dollar/DXY ban đầu tăng hơn 1,5%, được thúc đẩy bởi việc mua USD "trú ẩn an toàn" nhưng sau đó nhanh chóng giảm xuống.

Tuy nhiên, trong vài ngày qua, những lo ngại ngày càng gia tăng rằng việc cắt Nga ra khỏi hệ thống SWIFT gây ra hậu quả không mong muốn là cản trở nghiêm trọng tính thanh khoản của USD trên thị trường nước ngoài. Những lo ngại đó đã nhanh chóng đẩy giá trị của chỉ số US Dollar/DXY lên thêm 1,5% và là nguyên nhân gây ra sự thất vọng đáng kể cho những người trong cuộc.

Do đó, VinaCapital cho rằng, có nguy cơ giá trị của USD tăng đột biến hơn nữa có thể gây ra sự gián đoạn lớn trên thị trường ngoại hối, từ đó có thể dẫn đến sự sụt giá 1-2% giá trị của VND.

Dù vậy, chuyên gia kinh tế trưởng của đơn vị này vẫn nhấn mạnh rằng, họ không tin rằng đồng tiền của Việt Nam có rủi ro mất giá nhiều hơn 2% vì những sức mạnh cơ bản của VND, và vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng can thiệp để làm dịu thị trường tiền tệ nếu tình hình xấu đi nhiều hơn dự đoán.