Xuất khẩu vàng có tốt cho nền kinh tế?
Nếu loại trừ phần xuất khẩu vàng ra khỏi kim ngạch xuất khẩu, thì Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay sẽ nhập siêu tới 617 triệu USD.
Sự gia tăng đột biến kim ngạch xuất khẩu vàng xuất phát từ thực tế giá vàng quốc tế đột ngột leo thang, trong khi giá vàng trong nước tuy có lên theo, nhưng vẫn giảm nhiều so với giá vàng quốc tế, khoảng cách chênh lệch này đã khiến các DN ồ ạt xuất khẩu để kiếm lời. Xuất khẩu vàng càng nhiều vào lúc này càng tốt cho DN, nhưng liệu có thực sự tốt cho nền kinh tế?
Trong thời gian qua, giá vàng trong nước đã tăng cao đột ngột, có lúc lên tới gần 20 triệu đồng một lượng, đã có một dòng người dân đổ xô đi bán vàng chốt lãi. Thời điểm ấy, theo một số công ty vàng, mỗi ngày họ mua vào khoảng từ 2 đến 3.000 lượng.
Vào thời điểm đó, giá vàng quốc tế lúc cao nhất cũng đã lên đến 1000 USD/ounce và sức tăng của giá vàng trong nước đã không theo kịp thế giới. Theo ước tính, giá vàng trong nước luôn thấp hơn thế giới khoảng từ 300 đến 800 đồng/lượng.
Nắm được cơ hội này, các doanh nghiệp đã ồ ạt xuất khẩu vàng nhằm thu một khoản lợi nhuận lớn. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vàng và đá quý của các doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 940 triệu USD, tức cao gấp gần 30 lần so với cùng kỳ năm 2008.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Tổng công ty vàng Agribank VN cho biết: “Trong 2 tháng vừa qua, chúng tôi đã thu mua được một lượng vàng khoảng 2 tấn, xuất khẩu vàng miếng 3 chữ A do Tổng công ty sản xuất và xuất khẩu hàng trang sức, chúng tôi đã thu về được hơn 62 triệu USD”.
Con số 939 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vàng trong 2 tháng đầu năm đã trở thành nguyên nhân chính giúp cho VN từ chỗ nhập siêu trở thành xuất siêu trên 300 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu loại trừ phần xuất khẩu vàng ra khỏi kim ngạch xuất khẩu, thì VN trong 2 tháng đầu năm nay sẽ nhập siêu tới 617 triệu USD.
Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Xuất siêu là do chợ vàng mang lại nguồn lợi cho những đơn vị trên thị trường vốn, chứ chưa gắn được thị trường vốn với thị trường phát triển cho nền kinh tế của đất nước”.
Không thể phủ nhận một điều, nhờ vàng xuất đi nhiều mà lượng ngoại tệ mạnh thu về đã bù đắp vượt mức nguồn thiếu hụt do giải ngân FDI đạt thấp, kiều hối chuyển về giảm và nguồn vốn đầu tư gián tiếp có dấu hiệu chảy ngược ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn vốn thế nào cho hiệu quả cũng là điều cần quan tâm.
Ngoài ra, còn một vấn đề khác nữa đặt ra, đó là thị trường tiền tệ sẽ biến chuyển thế nào, nếu như sau này khi có nhu cầu, chúng ta sẽ lại phải nhập khẩu trở lại. Và lúc đó, nếu quản lý không tốt nhu cầu ngoại tệ sẽ gia tăng, nguy cơ mất cân đối trên thị trường tiền tệ là điều có thể.
Theo Trần Hà
VTV