Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Doanh nghiệp tự làm khó mình

(Dân trí) - Doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường dùng chiêu giá rẻ như một lợi thế cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng chính vì điều này mà họ đã tự làm khó cho mình.

Đó là nhận định của Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị Trường Châu Mỹ, Bộ Công Thương, tại Hội thảo “Thị trường Hoa Kỳ - Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức gần đây tại Hà Nội.

 

Ông cho biết, “Doanh nghiệp Việt Nam thường cạnh tranh bằng giá rẻ tại thị trường Mỹ hơn là chú ý đến nâng cao chất lượng sản phẩm. Như vậy, chính là họ đã tự gây thiệt hại cho mình khi vấp phải các cuộc điều tra chống bán phá giá của Mỹ.  Để tránh điều này, doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm tốt hơn như sản phẩm thân thiện với môi trường và giữ giá bán”.

 

Các công ty Hoa Kỳ từ lâu đã có chiến lược nhượng khâu sản xuất - khâu cần nhiều vốn nhất, vất vả nhất và chứa đựng nhiều rủi ro nhất - cho các nhà sản xuất nước ngoài; do vậy, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép và đồ gỗ.

 

Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu và thiếu kinh nghiệm thiết kế nên các doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu là gia công theo đơn hàng của của đối tác Mỹ. Hiện nay, mặt hàng giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có tỷ lệ gia công lớn nhất.
 
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Doanh nghiệp tự làm khó mình
Do không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu và thiếu kinh nghiệm thiết kế nên các doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu là gia công theo đơn hàng của của đối tác Mỹ (ảnh minh họa)

 

Ông Khiên cho hay, “Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ thông qua các công ty trung gian như Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc chứ chưa làm được trực tiếp với phía Mỹ. Một số công ty làm được trực tiếp nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ chỉ định tức là phía nước bạn yêu cầu họ mua nguyên phụ liệu hoặc họ đưa thiết kế rồi doanh nghiệp cặm cụi làm theo các mẫu mã và tiêu chuẩn kỹ thuật định sẵn. Nếu doanh nghiệp mua nguyên liệu khéo với giá rẻ thì có thể có lãi. Như vậy, họ mới chỉ dừng lại ở khâu lấy công làm lãi.”

 

Theo ông, các công ty lớn trong lĩnh vực dệt may có thể đứng ra làm trung gian để giúp các nhà xuất khẩu giảm chi phí thuê trung gian, như vậy họ sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.

 

Áp lực cạnh tranh khốc liệt

 

Hoa Kỳ là một thị trường lớn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam, là nơi có cộng đồng người Việt đông nhất thế giới với khoảng 1.5 triệu người. Đây sẽ là cầu nối đưa hàng Việt Nam sang Hoa Kỳ, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm mang hương vị truyền thống của người Việt. Hoa Kỳ cũng được coi là thị trường “dễ tính” hơn so với Nhật Bản và Tây Âu.

 

Tuy vậy, hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ chịu sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là các sản phẩm như giày dép, quần áo, hàng điện tử, thuỷ sản, đồ gỗ và sản phẩm nhựa từ Trung Quốc.

 

Trong khi đó quãng đường vận tải xa cũng làm tăng thêm chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Họ cũng phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật và các tiêu chuẩn môi trường khắt khe của Mỹ như Luật chống khủng bố sinh học.

 

Ông Khiên nhấn mạnh, “Doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, còn bán thương hiệu và gia công là chủ yếu,” vì vậy, họ chưa tạo được lợi thế cạnh tranh thực sự tại thị trường Mỹ.

 

Nhà sản xuất phải thiết kế và đóng gói sản phẩm để tiết kiệm thể tích nhất, giúp giảm thiểu chi phí vận tải. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần tăng cường sử dụng thương mại điện tử thông qua các phòng trưng bày trên các website để quảng bá sản phẩm của mình. Có website không chỉ giúp cho doanh nghiệp quáng bá thương hiệu mà cũng thuận lợi cho các cơ quan xúc tiến thương mại giới thiệu nguồn hàng, đối tác cho họ thay vì phải gửi qua bưu điện rất mất thời gian. 

 

Nam Hằng