Xuất khẩu nông sản sẽ được ưu tiên trong năm tới
(Dân trí) - Trong năm 2016, hoạt động xuất nhập khẩu đang có sự tăng trưởng ổn định theo mạch mà chúng ta giữ được từ những năm trước đây. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 178 tỉ USD và nhập khẩu đạt 176 tỉ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản trong năm vừa qua lại có nhiều diễn biến ngược chiều.
Đó là phát biểu của ThS. Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương trong hội thảo “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025” diễn ra sáng nay (14/12).
Tại hội thảo ông Hải cho rằng, năm 2016 không có những biến động lớn về xuất nhập khẩu, trong một số ngành hàng có thể có nhưng nhìn chung diễn biến đều tốt và đóng góp vào sự duy trì ổn định của các chỉ số. Mức tăng trưởng của hiện nay ở cả xuất nhập khẩu vào khoảng 8%, đây là con số tăng trưởng rất lớn nếu như đặt trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới hiện nay đang suy giảm.
Theo ông Hải, với giá trị xuất khẩu hiện nay, đã thể hiện được việc tiêu thụ tốt nông sản cho bà con, không những vậy còn tạo thêm công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong khối sản xuất công nghiệp, điều đó cũng có giá trị rất lớn đằng sau con số 8%.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu mặt hàng nông sản trong năm 2016 ông Hải cho biết, năm nay là một năm thuận lợi đối với ngành hàng cà phê Việt Nam và hồ tiêu khi hồ tiêu vẫn duy trì được ở vị thế dẫn đầu. Bên cạnh đó, các mặt hàng mới như rau quả chúng ta cũng đang tiệm cận đến con số 2 tỉ USD.
Các mặt hàng truyền thống như thủy sản mặc dù cũng có khó khăn ở những thị trường nhất định do các hàng rào về kĩ thuật như dư lượng thuốc kháng sinh trên thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc các hàng rào về phòng vệ thương mại ở một số quốc gia khác, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ở mức tương đối ổn định.
Duy có mặt hàng gạo là sụt giảm và có tác động lớn đến xã hội. Trong năm 2016 xuất khẩu gạo đã sụt giảm do cung ở trên thế giới hiện nay đang vượt xa rất nhiều so với cầu.
Hiện nay, Ấn Độ đã bỏ chế độ tự túc trong nước và giải phóng lượng gạo của mình để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Giống như Ấn Độ, Thái Lan hiện nay đang có một kho dự trữ gạo rất lớn mà họ cũng đang cố gắng giải phóng bớt. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất khác như Myanmar hay Campuchia cũng tham gia mạnh vào thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu của các nước nhập khẩu gạo lớn như Phillipines, Indonesia hay Malaysia lại giảm xuống, một phần cũng phụ thuộc vào các chính sách lương thực của các nước, điều này đã tạo ra sức ép và sự cạnh tranh rất lớn về lương thực.
Ngoài ra, những sản phẩm gạo chất lượng cao chúng ta vẫn chưa có nhiều và đặc biệt là chưa có thương hiệu. Điều đó cũng hạn chế về giá trị đem lại so với cùng một khối lượng lượng gạo xuất khẩu so với các nước khác.
Tuy nhiên ông Hải vẫn cho rằng, về tổng thế thì xuất khẩu nông sản vẫn là nhóm hàng đem lại lợi ích đặc biệt và cần quan tâm, ưu tiên. Trong năm 2016 cũng đã duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu nói chung phù hợp với tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Năm 2017, các cơ quan quản lý nhà Nước, các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các biện pháp mang tính chất trung hạn và dài hạn để xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản có những giải pháp căn cơ, lâu dài, giữ được ổn định và không phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố thiên nhiên và các yếu tố bên ngoài.
Các hiệp định mới cùng các cơ hội của Việt Nam trong năm 2017
Theo ông Hải, năm 2017, trong khi chờ TPP được ký kết và đợi phê chuẩn, chúng ta cũng sẽ được thấy một số hiệp định mới. Tuy nhiên hiện nay, nguy cơ Hoa Kỳ sẽ không tham gia hiệp định TPP là khá lớn.
Bên cạnh TPP chúng ta cũng sẽ ký kết một số hiệp định khác như là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU hay Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Đây chính là những hiệp định thương mại có tính chất rất quan trọng tương đương TPP vì thế chúng ta cũng phải có một sự chuẩn bị để điều chỉnh hoặc tận dụng các lợi ích của các hiệp định mang lại.
Nhắc đến những việc cần làm khi kí kết các hiệp định thương mại tự do, ông Hải cho rằng, ở một góc độ khác thì bên cạnh việc mở rộng thị trường cũng phải chú trọng đến việc điều chỉnh các ngành hàng. Hoạt động xuất khẩu của chúng ta cũng không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh các thị trường mà chúng ta phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà chúng ta có lợi thế trên bản đồ thế giới.
Không những vậy ông Hải còn nhấn mạnh, “Chúng ta cần nắm lấy những khâu trong thương mại quốc tế sẽ đem lại giá trị lớn như khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm, đây là những khâu cuối, ở phía hạ nguồn. Còn những khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất cũng đem lại giá trị nhưng thường khá thấp”.
Chia sẻ về cơ hội của Việt Nam, ông Hải cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc là một trong những hiệp định mà Việt Nam chúng ta chủ động tham gia với tư cách là một thành viên độc lập.
Ngoài ra, "ASEAN đang chiếm khoảng 25% quan hệ thương mại với Việt Nam. Khi mà cả ASEAN đã trở thành một thị trường chung thì lúc đó chúng ta không cạnh tranh trong nội khối mà bản thân Việt Nam và các nước ASEAN có thể cùng thiết lập các cơ sở kinh tế chung để có thể vươn ra cạnh tranh, đưa hàng hóa ra các thị trường khác", ông Hải chia sẻ.
Thế Hưng