Xuất khẩu nông sản chủ lực giảm sâu

(Dân trí) - Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, cà phê, chè, sắn... đều giảm cả về giá trị và khối lượng, do chịu tác động nhiều từ biến động của giá cả thị trường thế giới và ảnh hưởng lớn từ các yếu tố thời tiết, thiên tai.

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị xuất khẩu của toàn ngành từ đầu năm tới nay đạt 25,25 tỷ USD; tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, cà phê, chè, sắn... đều giảm cả về giá trị và khối lượng, do chịu tác động nhiều từ biến động của giá cả thị trường thế giới và ảnh hưởng lớn từ các yếu tố thời tiết, thiên tai.

Xuất khẩu cà phề giảm sâu cả về khối lượng và giá trị
Xuất khẩu cà phề giảm sâu cả về khối lượng và giá trị

Mặt hàng cà phê tiếp tục là mặt hàng có mức giảm nhiều nhất. Xuất khẩu (XK) cà phê 11 tháng của năm 2013 ước đạt 1,18 triệu tấn và 2,51 tỷ USD, giảm 24,4% về khối lượng và giảm 24,8% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá xuất khẩu cà phê 10 tháng năm 2013 cũng chỉ đạt 2.183 USD/tấn, giảm 0,26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Khối lượng XK gạo 11 tháng đầu năm cũng mới chỉ đạt 6,29 triệu tấn với giá trị 2,78 tỷ USD, giảm 16,1% về khối lượng và giảm 18,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 955.000 tấn, với giá trị 2,24 tỷ USD, tăng 5,4% về khối lượng nhưng lại giảm tới 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Bên cạnh đó, XK chè và sắn là những ngành hàng cũng có xu hướng sụt giảm về sản lượng và giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2012.
 
Tuy nhiên, tiếp tục đà tăng trưởng của các tháng vừa qua, ngành hàng hạt điều, gỗ, hạt tiêu thì lại có sự gia tăng đáng kể về giá trị. Khối lượng XK hạt điều tháng 11 ước đạt 23 nghìn tấn với giá trị 144 triệu USD, đưa tổng lượng XK 11 tháng  đầu năm 2013  đạt mức 238 nghìn tấn với giá trị 1,49 tỷ USD; tăng 17% về lượng và tăng 10,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Theo nhận định của TS Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện nay các mặt hàng xuất khẩu nông sản của nước ta chủ yếu là xuất khẩu thô nên có giá trị xuất khẩu thấp. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy để xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng thị trường và phát triển các chuỗi cung ứng bền vững nhằm nâng cao giá trị hàng hóa.

Phát biểu tại diễn đàn “Tăng cường hiệu quả sản xuất và chuỗi cung ứng nông nghiệp ở Việt Nam” tổ chức ngày ngày 3/10 tại Hà Nội, ông Tin Htut Oo, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Kinh tế - Xã hội Quốc gia Myanmar cho biết: Sau thời kỳ khủng hoảng lương thực thế giới vào giai đoạn 2007-2008, nhiều quốc gia nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất lương nên nguồn cung lương thực trên thế giới đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây khi kinh tế đã dần hồi phục, thu nhập của người dân được nâng cao và xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị đang ngày càng gia tăng dẫn đến nhu cầu ngũ cốc đang dần dần giảm, thay vào đó nhu cầu tiêu dùng rau xanh, hoa quả, sữa và các sản phẩm sữa gia tăng.

Điều này đặt ra một thách thức mới cho sản xuất nông nghiệp. “Trước đây Việt Nam chỉ chú trọng nâng cao năng suất thì bây giờ vấn đề an ninh lương thực không còn đáng lo ngại. Cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thương mại hàng hóa để làm tăng thu nhập cho người nông dân và làm gia tăng các chuỗi giá trị,” ông Tin Htut Oo nhận định.

Việt Nam thắng thầu xuất thêm 500.000 tấn gạo sang Philippines

Theo hãng tin Reuters, Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 500.000 tấn gạo 25% tấm sang Philippines với giá chỉ 462,25 USD/tấn. Thời gian giao hàng là từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2014.

Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) của Philippines ước tính khoảng 200.000 tấn gạo là đủ để cung cấp cho những người bị ảnh hưởng của bão Haiyan trong vòng 100 ngày tới, số 300.000 tấn gạo còn lại NFA sẽ dùng để dự trữ.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Philippines 350.000 tấn gạo.

 
Thảo Nguyên

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước