1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xuất khẩu New Zealand khốn đốn vì bê bối sữa Fonterra

(Dân trí) - Đóng vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của New Zealand, sau vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn tại Fonterra, không chỉ khiến ngành sữa New Zealand điêu đứng mà các sản phẩm xuất khẩu khác của nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trụ sở Tập đoàn Fonterra tại 

Trụ sở Tập đoàn Fonterra tại Auckland, New Zealand.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình New Zealand ngày 11/8, Thủ tướng John Key cho biết, ngành công nghiệp xuất khẩu của nước này đang bị tác động xấu từ mối lo ngại nhiễm khuẩn dấy lên sau vụ Trung Quốc ngừng nhập khẩu sữa bột của Tập đoàn Fonterra.

Theo đó, thiệt hại sau vụ việc trên rất khó đo lường, bởi sự kiện ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp xuất khẩu của New Zealand chứ không chỉ riêng sản lượng sữa xuất sang Trung Quốc. 

Trong một cuộc phỏng vấn khác, CEO của Fonterra, ông Theo Spierings thừa nhận, mức thiệt hại có thể lên tới “hàng chục triệu đô la New Zealand”.

Thủ tướng Key nói, “Dù muốn hay không thì Fonterra cũng đã và đang là đại diện cho chất lượng các sản phẩm xuất khẩu của New Zealand”. “Điều này gây thiệt hại tới danh tiếng của New Zealand, không chỉ trên phương diện các sản phẩm từ sữa mà còn nhiều loại sản phẩm được xuất sang thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác nữa”.

Đồng Đô la New Zealand (NZD) đã xuống mức thấp của tháng sau khi hãng Fonterra, nhà xuất khẩu sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới và cũng là tập đoàn lớn nhất New Zealand ngày 3/8 công bố  thông tin, một đường ống bị bẩn tại nhà máy chế biến có thể đã tạo điều kiện cho whey protein (được dùng trong bột sữa) tiếp xúc với vi khuẩn sản sinh Clostridium Botulinum. 

Theo Tân Hoa Xã, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu một số sản phẩm sữa từ New Zealand đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu sạch của quốc gia này. 

Lập Uỷ ban điều tra

Được biết, ngày 12/8, Fonterra đã thành lập một uỷ ban gồm 7 người nhằm giám sát việc điều tra những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn và những sự việc diễn ra sau đó. 5 trong 7 thành viên của uỷ ban bao gồm Chủ tịch Ralph Norris, đóng vai trò chỉ huy độc lập. 2 thành viên còn lại là những nhà khoa học giấu tên.

Uỷ ban đã bầu cố vấn pháp luật Jack Hodder là trưởng nhóm điều tra và sẽ tìm kiếm thêm chuyên gia trong lĩnh vực an toàn chế biến, vệ sinh thực phẩm để phối hợp làm việc. Ban lãnh đạo của Fonterra muốn tiến trình điều tra phải hoàn thành trong vòng 6 tuần.

Theo Phát ngôn viên của Thủ tướng New Zealand, ngoại trưởng nước này là ông Murray McCully sẽ có một cuộc viếng thăm Trung Quốc trong vòng một tuần. Ngay sau đó một vài tuần hay vài tháng tới sẽ là Bộ trưởng thương mại Tim Groser. Còn Thủ tướng John Key sẽ sang thăm Trung Quốc sau khi việc điều tra kết thúc.

Hoạ vô đơn chí

Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình Newzealand, CEO của Fonterra - Spierings cho biết, tập đoàn đã đưa vấn đề 40 tấn sữa bột xuất khẩu vào thị trường Sri Lanka lên bàn hội nghị. Đang có một cuộc thảo luận gay gắt trong nội bộ công ty về việc Sri Lanka cấm quảng cáo cũng như cáo buộc bột sữa của Fonterra có chứa dicyandiamide hay là DCD, một chất hoá học dùng trong sản xuất nông nghiệp. 

“Với tất cả những lùm xùm vào tuần trước thì mọi người đang liên kết các sự kiện lại với nhau, tạo nên một chuỗi tồi tệ liên tiếp nối theo nhau”, ông Spierings nói.

Một bản báo cáo của Viện Công nghệ Công nghiệp Sri Lanka mới đây khẳng định, hai lô sữa bột nhập khẩu từ New Zealand có chứa DCD. Trong khi đó, Bộ trưởng bộ Y tế nước này đã thông báo cho chi nhánh của Fonterra tại Sri Lanka về việc cấm quảng cáo tại thị trường nước này.

Các sản phẩm từ sữa là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của New Zealand, chiếm 28% doanh số bán ra ngoài nước của nền kinh tế mà xuất khẩu chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng quốc gia. 

Fonterra chiếm 1/3 tổng thương mại các sản phẩm từ sữa trên toàn thế giới và doanh thu hàng năm đạt 15,9 tỷ USD (tháng 7/2012).

Diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ

Đồng NZD của New Zealand đã rớt giá 76,93 cent vào ngày 5/8, mức thấp nhất kể từ 8/7, sau khi Fonterra thông báo bị cấm xuất khẩu sữa vào Trung Quốc. Cổ phiếu của Quỹ Cổ đông Fonterra (Fonterra Shareholders Fund) rớt giá gần như kỷ lục 6,86 NZD trong cùng một ngày.

Tính tại thời điểm 10g15 sáng 12/8, giá cổ phiếu đã phục hồi trở lại 4,4% đạt mức 7,19 NZD, trong khi đồng nội tệ tăng 2,7% đạt mức 80,32 US cents.

Vào năm 2008, đối tác của Fonterra tại Trung Quốc là Tập đoàn Sanlu Group đã phá sản sau khi bột sữa hãng này chứa chất độc melamine, khiến nhiều trẻ em tử vong và phải nhập viện, tạo ra một vụ bê bối lan rộng trong nước. 

Hồi tháng 1 năm nay, Fonterra đã phải trấn an Trung Quốc rằng hàm lượng DCD cực nhỏ chứa trong sữa sẽ không gây ra một mối nguy hiểm nào cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Fonterra đã phải kiểm điểm mạnh mẽ sau vụ bê bối. Thủ tướng New Zealand đánh giá, “nhìn một cách toàn diện, họ vẫn là một công ty rất tuyệt vời”.

Bích Diệp
Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm