"Xuất khẩu làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia"

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho rằng việc mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Xuất khẩu làm cạn kiệt tài nguyên

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020” được tổ chức ngày 14/6, Bộ Công Thương cho biết, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2001-2010 ở mức cao, đạt 19%/năm.
 
"Xuất khẩu làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia" - 1
Cần giải quyết bài toán gốc rễ khi sử dụng công nghệ để xuất khẩu (ảnh minh họa)

Quy mô xuất khẩu tăng từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 72,19 tỷ năm 2010, tăng hơn 4,7 lần. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên GDP tăng từ 46% năm 2001 lên 70% năm 2010. Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú và đa dạng.

Nếu như năm 2004, Việt Nam chỉ có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2010 đã có 18 nhóm hàng, trong đó có 10 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 8 nhóm hàng trên 2 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 220 nước và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Danh Vĩnh – Thứ trưởng Bộ Công Thương thì xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua phát triển chưa bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ.

Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu.

“Đáng chú ý, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.” – Thứ trưởng Vĩnh khẳng định.

Về vấn đề này, GS. TS. Đỗ Đức Bình (ĐHKTQD) chia sẻ thêm: Nghiên cứu về phát triển xuất khẩu bền vững không nên chỉ tính đến lợi ích trước mắt, mà cần xem xét tác động của xuất khẩu trong dài hạn.

Tăng trưởng xuất khẩu cao trong ngắn hạn trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có của quốc gia về tài nguyên thiên nhiên, về lao động, dù mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, nhưng chưa chắc đã đảm bảo tính bền vững nếu chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế.

Việc xuất khẩu này chỉ mang giá trị gia tăng thấp, làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường và chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận tham gia hoạt động xuất khẩu và làm tổn hại đến lợi ích của đa số và cộng đồng.

Nghịch lý xuất khẩu

Một vấn đề nữa cũng được đề cập đến nhiều tại Hội thảo lần này đó là nghịch lý trong việc xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chúng ta xuất khẩu chủ yếu tại những nước phát triển trong khi lại nhập khẩu máy móc công nghệ và nguyên vật liệu ở những nước kém phát triển. Điều này tạo nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên Cao cấp - Viện Nghiên cứu Thương mại đưa ra bằng chứng: Nhóm các nhóm hàng xuất khẩu thì tư liệu sản xuất chiếm tới 92%, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8%.

Trong hàng tư liệu sản xuất thì máy móc, thiết bị chiếm khoảng 29% và nguyên nhiên vật liệu chiếm khoảng 63%. Điều đáng nói là, những công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu này chủ yếu được nhập khẩu tử thị trường Trung Quốc.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển mà chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

“Điều này sẽ gây ra nguy cơ ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về nguyên vật liệu và do đó sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của hàng Việt Nam sẽ ngày càng kém đi. Bởi vậy, để có thể phát triển bền vững trong tương lai, cần phải có biện pháp giải quyết từ gốc rễ về vấn đề này.” – ông Thắng nói.

Để giải quyết vấn đề này, tại hội thảo, Bộ Công Thương đã đưa ra 4 định hướng chủ đạo trong lĩnh vực nhập khẩu. Trong đó, điểm đầu tiên là Việt Nam vẫn phải cần khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa đã sản xuất trong nước, nhập khẩu hàng xa xỉ, có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.

Đồng thời, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc xây dựng các biện pháp phi thuế quan phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật...

Định hướng cuối cùng khá quan trọng được nhấn mạnh là, ngăn chặn việc nhập lậu hàng từ các nư­ớc ASEAN và Trung Quốc, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn. Toàn bộ quan điểm chiến lược thương mại này muốn thành công, phải gắn với sự đổi mới tư duy và cuộc tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay của Việt Nam.

Lan Hương