1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xuất khẩu gạo vẫn trong tầm kiểm soát

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đăng Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại khi nói về tình hình gạo xuất khẩu sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc <a href="http://www11.dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/11/152132.vip"> tạm ngừng xuất khẩu gạo</a>.

Nguồn cơn tăng giá

Theo nhận định của Bộ Thương mại, hiện tượng lúa gạo tăng giá những ngày gần đây là có thật. Hiện giá lúa tại khu vực ĐBSCL đang phổ biến ở mức 2.950 - 3.100đ/kg, tăng khoảng 400 - 500đ/kg so với đầu 10/2006.

Giá gạo tiêu dùng nội địa cũng đã tăng từ 500 - 1.000đ/kg tuỳ loại, trong đó các loại gạo cao cấp và gạo thơm tiêu dùng trong nước đều tăng giá mạnh.

Tại khu vực Thốt Nốt (Cần Thơ) gạo trắng thường đang bán với giá 5.000 - 5.500đ/kg, tăng khoảng 500đ/kg so với thời điểm tháng 10.2006; gạo thơm Jasmine: 6.500đ/kg, tăng 800đ/kg; gạo thơm Campuchia: 5.500đ/kg tăng 800đ/kg...

Giá gạo tiêu dùng trong nước tăng mạnh đã kéo giá các loại gạo xuất khẩu (XK) tăng theo khoảng 300đ/kg, dù các DN XK gạo đã ngừng mua từ cách đây gần 1 tháng do yêu cầu chỉ đạo điều hành XK gạo từ phía Chính phủ.

Nguyên nhân gạo tăng giá là do nguồn lúa gạo trong dân hiện nay còn ít do vụ hè - thu năm nay mất mùa, làm giảm sản lượng khoảng 300.000 tấn so với vụ hè - thu năm 2005.

Đã vậy, phần lớn lượng lúa hàng hoá vụ hè - thu đã được các DN thu mua trong thời điểm thu hoạch rộ để thực hiện các hợp đồng XK, trong khi lúa vụ mùa phải đến đầu tháng 12 mới thu hoạch.

Sản lượng lúa năm 2006 ước đạt khoảng 36,2 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 tấn so với năm 2005. Nhưng sản lượng tăng lại tập trung ở vùng miền Trung và miền Bắc. Trong khi ĐBSCL - nguồn cung lúa gạo XK - lại mất mùa, làm cho nguồn gạo hàng hoá chỉ còn khoảng 5,2 - 5,3 triệu tấn đã gây mất cân đối nhất thời chứ không thiếu hụt nghiêm trọng.

 

Và thời điểm thu hoạch vụ mùa đã sắp tới, sẽ khắc phục được hiện tượng thiếu hụt này.

Mặt khác, vụ đông - xuân năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã yêu cầu xuống giống muộn từ 15 - 20 ngày để hạn chế tác hại của sâu rầy nên người dân "găm giữ" lúa gạo để sử dụng nhiều hơn, gây nên hiện tượng thiếu hụt.

Chưa kể tình hình sâu bệnh ảnh hưởng mùa vụ, tâm lý giữ lúa gạo chờ tăng giá cùng hành vi đầu cơ trục lợi, nâng giá ép người tiêu dùng... đang làm tăng giá lúa gạo trên thị trường nội địa. Đáng lo ngại là tình hình sâu bệnh phá lúa.

Mặc dù Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương không xuống giống trước ngày 15.11 để diệt sâu rầy, nhưng đến ngày 11.11 các địa phương đã xuống giống 155.988ha. Đây sẽ là những ổ bệnh dịch, gây hậu quả cho mùa vụ sau, làm người dân lo lắng.

Nói về khả năng phải mở kho dự trữ quốc gia để cung cấp gạo cho ĐBSCL, Bộ Thương mại cho rằng: Đó là điều không khả thi, bởi đưa được gạo dự trữ về đến khu vực này giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với giá gạo thị trường.

Mặt khác, chỉ có gạo tiêu dùng mới tăng giá cao, còn gạo XK không biến động mạnh nên việc mở kho dự trữ là không cần thiết. Trường hợp giá gạo còn sốt và địa phương có yêu cầu, Bộ Thương mại đã thống nhất với Hiệp hội Lương thực VN và TCty Lương thực Miền Nam sẽ điều động gạo hàng hoá của các DN thành viên bán ra thị trường nội địa để bình ổn giá.

Đã ngừng XK gạo

"Chưa có công điện dừng XK gạo, các DN cũng đã phải ngừng thực hiện từ trước đó rồi" bởi theo ông Nguyễn Đăng Chi: Với giá lúa hiện nay, chế biến xong giá thành lên tới 305USD/tấn (gạo 5% tấm), trong lúc gạo cùng loại Thái Lan đang XK với giá 298USD/tấn, và đang tiếp tục hạ giá nên gạo VN không XK được.

Theo Bộ Thương mại, từ đầu năm đến nay tình hình XK gạo được điều hành khá sát với nguồn hàng. Trong 10 tháng đầu năm mới chỉ XK 4,36 triệu tấn, giảm 400.000 tấn so với cùng kỳ năm 2005.

Do tình hình mất mùa vụ hè thu, tiến độ XK trong quý III/2006 đã điều tiết giảm để ổn định giá gạo trong nước. Theo đó, việc ký hợp đồng XK giao gạo trong các tháng cuối năm đã được kiểm soát chặt chẽ theo Chỉ thị 1469/TTg-NN ngày 19.9 của Thủ tướng Chính phủ: "Đối với các hợp đồng ký thêm, phải ưu tiên ký các hợp đồng tập trung và hợp đồng có giá cao, thời gian giao hàng phù hợp".

Khi giá lúa trong nước có xu hướng tăng, ngày 7.10 Bộ Thương mại đã yêu cầu các DN ngừng giao dịch ký hợp đồng XK và không tổ chức mua vào, đồng thời Hiệp hội Lương thực không cho đăng ký hợp đồng XK.

Tình hình XK gạo cũng được điều hành giảm chỉ tiêu XK xuống mức 4,7-4,8 triệu tấn - tương ứng với nguồn hàng sẵn có của DN chứ không theo đuổi mục tiêu 5 triệu tấn như đã đề ra. Cho đến nay, các DN vẫn đang chấp hành yêu cầu chưa giao dịch và ký hợp đồng XK gạo cho quý I/2007.

Chính việc thực hiện đúng yêu cầu điều hành XK gạo đã giúp cho DN tránh được những thiệt hại không đáng có vì thiếu gạo XK và không được XK gạo. Cũng theo Bộ Thương mại, nguồn gạo để thực hiện các hợp đồng với Cuba và Indonesia đã được chuẩn bị theo hợp đồng nên không ảnh hưởng.

Việc dừng XK gạo tuy được áp dụng với các hợp đồng thương mại, nhưng nếu được phép của Thủ tướng Chính phủ và đó là những trường hợp có lợi, việc XK gạo vẫn có thể được thực hiện.

Theo Công Thắng
Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm