1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Xuất khẩu gạo: Trả giá cho sự “quá đà”

Vậy là điều bất ngờ quá lớn đã xảy ra: sốt giá lúa gạo lên tới mức kỷ lục từ chính vựa lúa lớn nhất của cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Do lúa bệnh hay còn nguyên nhân sâu xa nào khác?

Cùng với việc ban bố lệnh tạm ngừng xuất khẩu, Chính phủ đã phải cho nhập khẩu lúa gạo từ Campuchia, đồng thời gạo từ miền Bắc, miền Trung, từ Thái Lan cũng đã kìn kìn đổ về đồng bằng sông Cửu Long.

Dịch bệnh - thủ phạm chính?

 

Thoạt nhìn, dường như dịch vàng lùn - lùn xoắn lá - rầy nâu là thủ phạm chính, bởi nó không chỉ gây thất thu trên diện rộng trong vụ lúa vừa qua, mà còn đe doạ cả vụ tới. Tuy nhiên, thực chất của tình hình lại chưa hẳn như vậy, bởi hai lẽ:

 

Thứ nhất là do tác động của cơn sốt giá gạo thế giới đối với hạt gạo của nước ta.

 

Trước hết, theo các số liệu thống kê của WTO, nếu như chỉ số giá gạo thế giới năm 2003 là 62 điểm (năm gốc 1995 = 100 điểm), thì năm 2004 tăng vọt lên 77 điểm, năm 2005 lên 90 điểm, còn giữa năm nay đứng ở mức 94 điểm.

 

Hiển nhiên, diễn biến này của thị trường gạo thế giới là cơ hội vàng khiến hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trở thành “chiến lược” trong gần 3 năm qua.

 

Cụ thể, năm 2003 xuất khẩu được 3,8 triệu tấn gạo với giá bình quân 189 USD/tấn; 2004 xuất được hơn chừng ấy một ít nhưng giá lên tới 230 USD/tấn, tăng 23%.

 

Có thể khẳng định đây là động lực chủ yếu để chúng ta đạt kỷ lục xuất khẩu 5,3 triệu tấn gạo năm 2005 với giá gần 270 USD/tấn, tăng 15% so với năm 2004; còn trong 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đã đạt 4,6 triệu tấn, giá bình quân cũng tăng 2,5% và thu về đến gần 1,3 tỉ USD.

 

Như vậy, trong gần 3 năm qua, giá xuất khẩu lúa gạo tăng tổng cộng 45%. Nguồn lợi quá hấp dẫn đã khiến cả nông dân lẫn các chi cục bảo vệ thực vật và các cấp chính quyền địa phương bỏ ngoài tai các khuyến cáo chuyên môn về giống và nguy cơ dịch bệnh.

 

Lịch thời vụ, giống không được tuân thủ, đất không được nghỉ mà bị vắt cạn làm lúa liền tù tì 3 vụ/năm, thậm chí có nơi còn cố sức làm 7 vụ trong 2 năm… Môi trường độc canh trong thời gian dài như thế chắc chắn sẽ gây ra dịch bệnh.

 

Chính vì vậy, theo lời ông Viện phó Viện Lúa ĐBSCL, dịch đã xuất hiện ngay từ vụ hè thu vừa rồi và hiện tại vẫn chưa được khống chế.

 

Đáng lo ngại hơn nữa là chưa thể nói trước được điều gì, bởi diễn biến dịch rất phức tạp, mức độ lây lan khá nhanh.

 

Cơn say xuất khẩu

 

Thứ hai, cơn sốt giá lúa gạo chưa từng có hiện nay còn do chúng ta đã xuất khẩu “quá đà”.

 

“Bốn năm qua, chúng ta đã hơi bị say trong cơn choáng xuất khẩu gạo khiến bỏ qua các yếu tố xuất khẩu bền vững và bây giờ đang phải trả giá”.

Sản lượng lúa năm 2004 tăng tương đương với gần 1,5 triệu tấn gạo so với năm 2003, nhưng gạo xuất khẩu chỉ tăng gần 1 triệu tấn. Ấy thế mà, khi sản lượng lúa năm 2005 giảm tương đương với khoảng 240 nghìn tấn thì lượng gạo xuất khẩu lại đạt kỷ lục trên 5 triệu tấn! Rõ ràng việc tăng này là do chúng ta đã “vét kho” để đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện rất được giá như đã nói ở trên.

 

Và như thế cũng có nghĩa là năm nay đâu còn gạo tồn kho đáng kể cho xuất khẩu nữa! Trong khi đó, tổng sản lượng lúa của miền Bắc chỉ tăng được 800 nghìn tấn, còn ĐBSCL lại giảm xấp xỉ 1 triệu tấn, mà lượng gạo xuất khẩu thì vẫn cứ tăng đến 1 triệu tấn so với cả 4 năm trước đó (2001-2004), cho nên rất có thể chúng ta đã lại một lần nữa “vét cạn kho” để xuất khẩu!

 

Cộng với tác nhân dịch bệnh dai dẳng trong nhiều tháng qua, hành động này tạo nên cơn sốt chưa từng có ở ngay trong ruột vựa lúa lớn nhất nước. Triển vọng giá gạo thế giới vẫn tiếp tục nóng cũng là một phần nguyên nhân gây ra đầu cơ lúa gạo ở thị trường trong nước.

 

Bốn năm qua, chúng ta đã hơi bị say trong cơn choáng xuất khẩu gạo khiến bỏ qua các yếu tố xuất khẩu bền vững và bây giờ đang phải trả giá. Việc quan trọng bây giờ là tìm mọi cách dập tắt dịch và nhất là thay đổi cách quản lý, điều hành sản xuất, xuất khẩu gạo của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

 

Theo N.Đ.Bích

Báo SGTT