Xuất khẩu gạo, khó qua “ải”

Có khá nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ tới bộ để xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhưng một số hồ sơ phải trả về vì thiếu giấy xác nhận cơ sở xay xát.

Từ ngày 1/10/2011, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có một doanh nghiệp (DN) được Bộ Công Thương cấp giấy chứng chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109. Liệu xuất khẩu gạo năm nay có bị ảnh hưởng?
Xuất khẩu gạo, khó qua “ải” - 1
Nhiều DN nhỏ sẽ gặp khó khăn khi huy động 25-35 tỉ đồng xây dựng kho chứa, nhà máy xay xát.

 

Loại bỏ doanh nghiệp kém năng lực

 

Nghị định 109 quy định từ ngày 1/10/2011, thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành và một cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ… Thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện trên chỉ được tham gia cung ứng gạo, chứ không được xuất khẩu trực tiếp.

 

Trước đây, xuất khẩu gạo theo cơ chế tự do nên tất cả DN thuộc mọi thành phần kinh tế cũng đều có thể xuất khẩu gạo. Do vậy nảy sinh tình trạng DN làm chứng khoán, bất động sản, sắt thép… không hề có kho bãi, nhà máy chế biến cũng tham gia gom gạo xuất khẩu, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường.

 

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) Trương Thanh Phong từng cho biết cả nước có hơn 200 DN xuất khẩu gạo. Trong số này có 57 DN xuất khẩu trên 10.000 tấn và chiếm 87% lượng gạo xuất khẩu. 137 DN còn lại chỉ chiếm 13% lượng gạo xuất khẩu. Có 40 DN xuất khẩu một năm chỉ 200-300 tấn gạo, thậm chí có DN chỉ xuất khẩu được... một tấn gạo/năm.

 

Nhìn vào số liệu ông Phong đưa ra có thể thấy đang có quá nhiều DN tham gia vào xuất khẩu gạo dù không đủ năng lực.

 

Theo ông Phong, phải kiên quyết loại bỏ việc xuất khẩu gạo mà không bảo đảm kho chứa, cơ sở chế biến, buộc DN có trách nhiệm với người trồng lúa và cạnh tranh sòng phẳng với những DN làm ăn bài bản khác.

 

Tuy vậy đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109.

 

Để được cấp chứng nhận, Angimex đã xây dựng 11 phân xưởng với hệ thống kho chuyên dùng có tổng sức chứa 65.200 tấn lúa, gạo và đảm bảo thời gian bảo quản tối đa một năm. Bên cạnh đó, công ty còn có 11 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất 5-30 tấn/giờ…

 

Doanh nghiệp gặp khó

 

Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM (Foodcosa), cho hay mục đích của Nghị định 109 là buộc DN lúa, gạo trực tiếp mua lúa của người nông dân, tránh phụ thuộc quá lớn vào hệ thống thương lái, trung gian. Từ đó cũng giúp cho người trồng lúa có thêm lợi nhuận.

 

Foodcosa đã gửi hồ sơ cho Sở Công Thương TP.HCM, Cần Thơ xin xác nhận ba nhà máy của công ty đủ điều kiện của Nghị định 109. Hiện Foodcosa có ba nhà máy với sức chứa hơn 45.000 tấn cộng với nhà máy xay xát có công suất 15 tấn lúa/giờ.

 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, có khá nhiều DN gửi hồ sơ tới bộ để xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, một số hồ sơ phải trả về vì thiếu giấy xác nhận cơ sở xay xát.

 

Một cán bộ của VFA cho biết trong thời gian tới sẽ có nhiều hồ sơ được gửi cho Bộ Công Thương. Do có một thời gian dài chuẩn bị nên phần lớn DN thuộc VFA đều đáp ứng điều kiện mà Nghị định 109 đưa ra. Vì vậy, xuất khẩu gạo năm nay sẽ không bị tác động nhiều bởi Nghị định 109.

 

Tuy nhiên, Nghị định 109 chắc chắn sẽ gây khó khăn cho DN nhỏ hoặc mới tham gia thị trường. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết Nghị định 109 sẽ khiến DN nhỏ gặp khó khăn. Điều kiện của nghị định đòi hỏi vốn đầu tư rất cao khiến nhiều DN không thể đáp ứng được. Hiện nay để đầu tư kho bãi có thể chứa 5.000 tấn gạo (bao gồm dây chuyền, nhà máy chế biến), DN cần phải bỏ ra một số vốn tương đối lớn cỡ 25-35 tỉ đồng.

 

Tạo bình đẳng cho DN

 

DN gạo cần phải đầu tư kho bãi, vùng nguyên liệu bài bản chứ không làm ăn lộn xộn như hiện nay. Nhiều DN có tâm huyết, năng lực nhưng do thấy cách quản lý không tạo sự bình đẳng cho các DN nên họ không muốn làm nữa.

GS Võ Tòng Xuân

 

Theo Trung Hiếu

Pháp Luật TPHCM