1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Xuất khẩu” cổ phiếu, tại sao không?

Công ty cổ phần Kinh Đô (TPHCM) vừa tổ chức buổi giới thiệu đợt phát hành cổ phiếu mới với các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại Trung tâm tổ chức hội nghị Raffles, Singapore. Đây cũng là lần đầu tiên một công ty VN thực hiện chiến dịch quảng bá cổ phiếu ở nước ngoài.

Cổ phiếu “nóng”

Đại diện của hơn 30 quĩ đầu tư, ngân hàng, công ty chứng khoán... từ Singapore và nhiều nước trên thế giới đã đến tham dự buổi giới thiệu cổ phiếu của Kinh Đô. Trong số này có các tên tuổi lớn như tập đoàn đầu tư Temasek Holdings, Phillip Capital, Aberdeen Asset Management, Maybank, UOB, OCBC...

Ông Jeremy Whitley, giám đốc đầu tư cao cấp của Aberdeen Asset Magement Asia Ltd:

Quĩ của chúng tôi hiện nay đã đầu tư ở nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Singapore… nhưng vẫn chưa đến VN. Tôi tiếp  nhận khá nhiều thông tin về VN từ buổi giới thiệu này, từ sự tăng trưởng của nền kinh tế VN, mức độ phát triển của thị trường vốn, trình độ của nguồn nhân lực… Những gì tôi “gặt hái” được từ buổi giới thiệu này đã gợi cho tôi sự quan tâm nhất định đến VN và thị trường chứng khoán VN.  

Ông Kelvin Lee, đại diện tại Đông Nam Á của VinaCapital Group - đơn vị tổ chức, cho biết không chỉ thông tin về cổ phiếu Kinh Đô với nhà đầu tư nước ngoài mà còn khuyến khích họ đưa vốn vào các công ty khác của VN. “Chúng tôi muốn nói với họ rằng có rất nhiều Kinh Đô tại VN và cơ hội cho họ tại VN là rất nhiều. Vì thế chúng tôi dành riêng một phần để giới thiệu về sự tăng trưởng của nền kinh tế VN, thị trường vốn và trình độ của nguồn nhân lực quốc gia” - ông Lee nói.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Kinh Đô, trong tháng tám công ty sẽ phát hành 50 tỉ đồng mệnh giá cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 250 tỉ đồng. Một phần số cổ phiếu này đã được bán cho các tổ chức tài chính, trong đó có quĩ đầu tư Prudential, VinaCapital và VFM. Vì sao Kinh Đô phải tìm đến Singapore? Ông Nguyên lý giải: “Chúng tôi luôn “khát” vốn để tài trợ cho các kế hoạch phát triển”.

Một trong những vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhất về Kinh Đô là mối quan hệ giữa Công ty cổ phần Kinh Đô và Công ty Kinh Đô miền Bắc. Một số nhà đầu tư thắc mắc liệu có kế hoạch sáp nhập hai công ty (đều sản xuất kinh doanh thực phẩm) này lại với nhau?

Theo ông Nguyên, Công ty cổ phần Kinh Đô dự kiến sẽ nhận giấy phép niêm yết trên thị trường chứng khoán VN vào tháng mười một và sau đó sẽ tính chuyện sáp nhập trong thời gian gần nhất để dung hòa vấn đề thị trường của cả hai công ty.

Con đường đến thị trường chứng khoán Singapore

Ông Trần Lệ Nguyên cho biết Kinh Đô mong muốn vươn đến thị trường vốn trong khu vực. “Chúng tôi muốn niêm yết cổ phiếu Kinh Đô tại Singapore và còn tính đến chuyện mua lại cổ phiếu của các công ty nước ngoài khác cùng ngành để mở rộng kênh phân phối” - ông Nguyên nói.

Một trong những tiêu chuẩn để niêm yết tại Singapore là doanh  nghiệp (DN) phải có lợi nhuận trước thuế tích lũy ít nhất là 7,5 triệu USD trong ba năm tài chính gần nhất, trong đó lợi nhuận trước thuế của từng năm trong ba năm này ít nhất là 1 triệu USD.

Ông Alex Tan Kah Koon, phó chủ tịch phụ trách tư vấn tài chính DN của Westcomb Financial Group, khẳng định nếu dựa trên các chỉ số tài chính, Kinh Đô đủ điều kiện niêm yết tại Singapore. Tuy nhiên, theo ông, “vẫn còn một số mắc mứu về khuôn khổ pháp lý của VN đối với việc cho phép các DN trong nước đưa cổ phiếu ra nước ngoài”.

Theo các chuyên gia chứng khoán, để các DN “xuất khẩu” cổ phiếu ra nước ngoài, VN phải ký một văn bản pháp lý về giám sát các giao dịch niêm yết với quốc gia đó nhằm quản lý những giao dịch liên thông giữa hai quốc gia.

Trong khi đó, hiện nay gần như chưa có các văn bản pháp lý qui định về vấn đề này. Ông Vũ Bằng, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết trước đây Gemadept đã “nói một chút” về ý định niêm yết tại Singapore, sau đó đến Vinamilk “cũng nói một chút” và nay đến Kinh Đô. “Chúng tôi đang soạn thảo Luật chứng khoán và có đưa các qui định về niêm yết ở nước ngoài vào.

Quan điểm của chúng tôi không cản trở việc các DN đưa cổ phiếu ra nước ngoài. Tuy nhiên, các DN phải cân nhắc kỹ về điều kiện niêm yết và khả năng công bố thông tin của mình. Nếu DN quyết tâm và nộp đề án chi tiết, lúc đó ủy ban mới hướng dẫn giải quyết và có văn bản trả lời” - ông Bằng nhấn mạnh.

Ngày 4/8/2005, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước kiến nghị xây dựng khuôn khổ pháp lý để DN VN được niêm yết ở nước ngoài.

Theo VAFI, việc niêm yết tại nước ngoài sẽ giúp DN tự tin khẳng định bản lĩnh của mình, sẵn sàng đi tiên phong trong những vấn đề mới về quản trị DN và nâng hình ảnh DN lên một bước trên thương trường. Ngoài ra, cổ phiếu DN sẽ có tính thanh khoản cao và giá trị cổ phiếu cũng được tăng lên nhiều so với thị trường chứng khoán VN.

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm