Xuất hiện cổ phiếu giá 800 đồng: Cạn sức chịu đựng!

Cổ phiếu VKP của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa là chứng khoán đầu tiên trên hai sàn niêm yết rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 đồng/cổ phiếu. Không chỉ vậy, rất nhiều cổ phiếu khác đang quanh quẩn mức 2.000 đồng-3.000 đồng, còn số dưới mệnh giá có hàng trăm.

Xuất hiện cổ phiếu giá 800 đồng: Cạn sức chịu đựng! - 1
Không ít cổ phiếu dưới mệnh giá hiện tại thực sự có vấn đề trên phương diện phân tích cơ bản - Ảnh: SGTT.
 
“Điểm tối” VKP

 

Từ một cổ phiếu đã có thời điểm được định giá trên 40.000 đồng, và lúc khó khăn nhất năm 2009 cũng còn xấp xỉ một nửa mệnh giá, VKP đã trở thành thứ chả khác nào “chổi cùn dế rách”!

 

Sẽ ra rất bất ngờ nếu biết rằng ngay cả trên sàn UpCOM - cái chợ chứng khoán gần như bị lãng quên - cũng không có cổ phiếu nào rẻ đến như vậy. 800 đồng “con” là một con số hơi khó tưởng tượng một chút, vì bây giờ những đồng tiền mệnh giá nhỏ như vậy đã “tuyệt chủng”, có chăng chỉ tồn tại ở nơi chùa chiền vào ngày lễ!

 

Với 8 triệu cổ phiếu đang niêm yết, giá trị vốn hóa của VKP chỉ còn 6,4 tỷ đồng. Ngày 21/11, VKP giảm sàn xuống mức 800 đồng/cổ phiếu. Mức giảm thì “ghê” nhưng thực chất chỉ nhảy đúng một bước. Với thị giá thấp như vậy, cổ phiếu này chỉ còn đúng 3 bước giá: trần, tham chiếu, và sàn.

 

Tuy vậy thanh khoản của VKP cũng không “tồi” lắm, đạt 14.480 cổ phiếu trong phiên. Mức giao dịch bình quân 20 ngày gần đây khoảng 9.800 cổ phiếu/phiên. Giá trị giao dịch nhỏ nhưng vẫn có người mua người bán, chứng tỏ vẫn có nhà đầu tư rỗi việc giao dịch chơi với cổ phiếu này, dù VKP từ lâu chỉ còn được giao dịch đúng 15 phút đóng cửa.

 

Đối với trường hợp của VKP, việc giảm xuống dưới mức 1.000 đồng/cổ phiếu không phải là chuyện gì ghê gớm, vì cộng đồng đầu tư còn cho rằng không hiểu sao đến giờ này VKP vẫn chưa bị phá sản, chưa bị hủy niêm yết. Trong tổng tài sản 268,57 tỷ đồng quý 3/2011 thì tiền mặt chỉ hơn 1,4 tỷ, còn lại toàn đọng vào khoản phải thu, hàng tồn kho và tài sản cố định bao gồm máy móc và mấy mảnh đất. Tổng nợ lên tới 234,16 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 168,87 tỷ đồng. Với “thành tích” lỗ 9 quý liên tục, vốn chủ sở hữu của VKP chỉ còn 34,4 tỷ đồng, trong khi vốn góp ban đầu là 80 tỷ đồng.

 

Báo cáo quý 3 u ám, kinh doanh lỗ, nợ bị “xù”, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục - mà thực chất diễn nôm là VKP rất có thể bị phá sản, không có gì bất ngờ khi cổ phiếu này giảm giá thê thảm như vậy. Từ một cổ phiếu được quỹ đầu tư nước ngoài sở hữu trên 15% vốn, nguy cơ mất sạch vốn nhà nước là có thể xảy ra.

 

La liệt dưới mệnh giá

 

Thị giá một cổ phiếu thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng hiểu đơn giản là nếu mua vào lúc này, nhà đầu tư có lợi thế hơn cả những người góp vốn ban đầu thành lập chính doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp khi cổ phần hóa được định giá quá lố. Thống kê sơ bộ trên hai sàn niêm yết, HSX có 150 mã và HNX có 256 mã dưới mệnh giá. Sàng lọc hẹp hơn thì cả hai sàn có xấp xỉ 30 mã giá thấp hơn 3.000 đồng.

 

Liệu thị trường có đang suy sụp quá mức? So sánh với thời điểm bĩ cực nhất vào cuối tháng 2/2009, HNX cũng có 238 cổ phiếu có giá thấp hơn mức 10.000 đồng và HSX có 110 mã (một phần do số lượng cổ phiếu niêm yết ít hơn). Rõ ràng tình cảnh hôm nay không khác gì lắm thời điểm “đáy khủng hoảng”.

 

Đa số cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá đều có kết quả kinh doanh bê bết. “Máu ăn thua” đối với những cổ phiếu này vẫn có, dù xét về tính chất, thời điểm hiện tại thậm chí còn khó khăn hơn thời kỳ 2008. Quá trình lao dốc 2008-2009 mặc dù mức sụt giảm lớn nhưng nền tảng cơ bản của doanh nghiệp niêm yết vẫn còn khá, nhờ tích lũy được “lương khô” từ thời bùng nổ tín dụng dễ dãi. Chính sách vĩ mô còn được định hướng hỗ trợ phần nào.

 

Hiện tại, quá trình khó khăn chung của nền kinh tế đã kéo dài quá lâu, các biện pháp hỗ trợ được cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí còn hé mở khả năng để doanh nghiệp “khôn sống, mống chết”. Hơn hai năm vật lộn, sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt và nguy cơ phá sản, hủy niêm yết lớn hơn nhiều. Đó là chưa kể đến việc phát hành cổ phiếu liên tục khiến quy mô doanh nghiệp phình to trong khi cơ hội kinh doanh bị co hẹp, tất yếu dẫn đến các chỉ số tài chính cơ bản bê bết.

 

Không nói đâu xa, nhóm cổ phiếu của công ty chứng khoán hiện nay chiếm tỉ trọng lớn trong “rổ” cổ phiếu dưới mệnh giá. Thời điểm 2008 áp lực giảm giá chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh lỗ do phải trích lập dự phòng lớn. Thời điểm hiện tại, áp lực này vẫn còn nguyên, trong khi lại phát sinh đủ thứ vấn đề mới, như năng lực cạnh tranh, khả năng thanh khoản, an toàn tài chính báo động... Không thể so sánh độ rủi ro về giá của nhóm cổ phiếu này thời điểm 2008-2009 với thời điểm 2011.

 

Các báo cáo phân tích của tổ chức đầu tư lẫn công ty chứng khoán đều cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng luôn tồn tại cơ hội. Tuy nhiên cơ hội đó chỉ đến với những người còn tiền, và chọn đúng cổ phiếu. Một trào lưu đầu tư mới đang hình thành với quan điểm tránh xa những cổ phiếu “bán giấy”, “buôn tiền”, mà chỉ hướng vào doanh nghiệp thực sự sản xuất, có kết quả kinh doanh chấp nhận được, đủ năng lực tài chính, thị trường để vượt qua thời điểm khó khăn.

 

Sẽ có những cổ phiếu giá bèo không thể vực dậy được, dù thị trường có khởi sắc trở lại.

 

Theo Trọng Nghĩa
VnEconomy