Xu hướng trẻ hóa lãnh đạo trong các tập đoàn Nhật Bản
Cách đây 10 năm, những quy tắc chặt chẽ liên quan đến thâm niên đã ngăn cản nhiều nhân viên trẻ ở Nhật Bản trở thành giám đốc. Theo truyền thống, dù tài năng và có nhiều cống hiến bao nhiêu, họ cũng phải chờ đến khi ít nhất đủ 45 tuổi mới hi vọng được làm lãnh đạo.
Okamoto là một trong những doanh nhân đầu tiên phá vỡ truyền thống khi anh trở thành Chủ tịch hệ thống nhà hàng thuộc tập đoàn Mitsubishi ở tuổi 41. Okamoto là chủ của hơn 5.000 nhân viên trong hệ thống nhà hàng, bao gồm nhiều giám đốc ở tuổi 40, 50.
Cách đây 3 năm, nhiều người ngạc nhiên khi anh Kenichi Kiso, 36 tuổi, được đề bạt làm Chủ tịch Tohato, nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu của Nhật Bản. Takeshi Niinami trở thành Chủ tịch hệ thống bán lẻ Lawson (thuộc tập đoàn Mitsubishi) năm 2003 lúc 43 tuổi. Kenji Chishiki, 42 tuổi, Chủ tịch Kanebo, một trong những hãng mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản. Tomoyo Nonaka, 51 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Sanyo, là phụ nữ đầu tiên ở Nhật Bản đứng đầu một hãng điện tử lớn...
Xu hướng này xuất phát từ những khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nhật Bản và việc toàn cầu hoá lực lượng lao động. Tuy nhiên, Nhật Bản, nước đang phải đối mặt với thực trạng dân số già, lại gặp không ít khó khăn khi cố gắng xoá bỏ truyền thống vì số nhân viên già trong các tập đoàn lại tỏ ra không ủng hộ xu hướng trẻ hoá lãnh đạo.
Một trong những chủ đề nóng hổi tại các diễn đàn trên Internet gần đây là cuộc tranh cãi về việc nhân viên các tập đoàn có gặp rắc rối gì với những ông chủ trẻ hơn mình. Nhiều người thậm chí còn cho rằng nỗi lo lắng lớn nhất của họ là phải làm việc với ông chủ trẻ.
Tuy nhiên, ông Reiji Shibata, Chủ tịch Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực Mercer tại Tokyo, khẳng định đây là xu hướng đúng và cần phải phát triển hơn nữa. Tuổi trung bình các lãnh đạo tập đoàn ở Nhật Bản hiện nay là 55, so với 60 tuổi cách đây 1 thập kỷ. Trong khi đó, theo ông Reiji Shibata, tuổi trung bình các lãnh đạo tập đoàn ở Mỹ là 48 - 50.
Dù muốn hay không, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã tính tới việc xóa bỏ dần truyền thống coi trọng thâm niên để có thể vượt qua khó khăn nhờ sự sáng tạo, năng động của lớp trẻ. Một số tập đoàn trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bất động sản đã giới thiệu chương trình 10 năm để trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Việc những lãnh đạo trẻ kể trên đều tạo ra những bước phát triển ấn tượng cho các tập đoàn là bằng chứng rõ ràng nhất về sự cần thiết phải thay đổi truyền thống coi trọng thâm niên.
Theo dự báo, phải tới năm 2007 xu hướng trẻ hoá lãnh đạo ở Nhật Bản mới thực sự phát triển và người ta sẽ được thấy nhiều hơn những ông chủ ở tuổi 40, hoặc trẻ hơn nữa.
Theo Doanh nhân VN