Xu hướng dồn tiền vào kỳ hạn ngắn

Việc Ngân hàng Nhà nước đặt trần lãi suất 14%/năm, áp mức lãi suất tiền gửi rút trước kỳ hạn ở mức thấp nhất của tiền gửi không kỳ hạn khiến lãi suất huy động không kỳ hạn nhiều ngân hàng tăng vọt, và người gửi tiền có xu hướng dồn vào kỳ hạn ngắn.

Xu hướng dồn tiền vào kỳ hạn ngắn - 1
Nhiều ngân hàng đang tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn.
 
Rút bất kỳ lúc nào

Trong tuần qua, lãi suất huy động USD có xu hướng được điều chỉnh giảm xuống, trong khi lãi suất VNĐ vẫn bám sát trần 14%/năm và tập trung dồn vào các kỳ hạn ngắn, đặc biệt lãi không kỳ hạn được nhiều ngân hàng tăng khá mạnh. Hiện tại, mức lãi suất huy động trung bình đối với VNĐ khoảng 13,38%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ), tăng nhẹ hơn so với tuần trước đó. lãi suất cao nhất đang thuộc về các kỳ hạn ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng, trung bình 13,92%/năm.

Đối với USD, mức lãi suất dao động trung bình từ 5,5% đến 6,2%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) chủ yếu ở các kỳ hạn từ 3 tháng đến 6 tháng. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất USD trước thông tin sắp tới có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng dự trữ bắt buộc, đặt trần lãi suất huy động USD và chủ trương “siết” tín dụng bằng ngoại tệ.

Tại Kiên Long Bank, lãi suất của các kỳ hạn dài bằng USD chỉ áp từ 4% - 4,3%/năm; các mức cao 5,3% và 5,5%/năm chỉ có ở hai kỳ hạn ngắn 2 và 3 tháng. Ở biểu lãi suất vừa áp dụng của PG Bank, mức cao nhất chỉ còn 5,8%/năm. Trước đó, ngân hàng này áp từ 6% - 6,1%/năm cho nhiều kỳ hạn. Tại SeABank, lãi suất huy động USD cao nhất hiện là 6,1%/năm, giảm 0,1% so với trước đó.

Điểm đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn. Tại VietA Bank, lãi suất huy động không kỳ hạn với khoản tiền gửi từ 1 tỉ đồng trở lên đến 8%/năm, nếu gửi từ 400 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng là 7,5%/năm. Với gói sản phẩm VP Super của VPBank dành cho các khách hàng có nguồn tiền luân chuyển qua tài khoản thanh toán với lãi suất lên đến 9%/năm…

Theo TGĐ một ngân hàng cổ phần, hiện nay thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường vàng biến động khó lường… khiến người dân đang có xu hướng gửi tiết kiệm, nhưng lại chỉ gửi kỳ hạn rất ngắn vì còn lo ngại lạm phát cao. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước áp mức lãi suất thấp nhất đối với khách hàng rút tiền trước hạn, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi kỳ hạn này lên nhằm giữ chân khách hàng.

Với lãi suất huy động vẫn ở mức khá cao, lãi suất cho vay VNĐ đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu hiện đang ở mức 14,5%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 16 - 18%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 18 - 22%/năm.

Rủi ro kỳ hạn

Một lãnh đạo của SeAbank cho rằng lãi suất cao hay thấp của các kỳ hạn phụ thuộc vào mục đích và chính sách thu hút vốn trong từng thời điểm của ngân hàng. Hiện nay để chống lạm phát, mọi lãi suất chủ chốt đều tăng cao, trong khi lãi suất huy động áp trần 14%/năm. Nguồn vốn khả dụng của ngân hàng khó khăn hơn, vì vậy phải có thay đổi về lãi suất, kể cả kỳ hạn để đảm bảo lợi ích và giữ chân khách hàng của mình.

Theo ông này, việc Ngân hàng Nhà nước áp mức lãi suất không kỳ hạn đối với các khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn là khá tích cực trong bối cảnh hiện tại, bởi nó sẽ hạn chế hơn việc khách hàng rút vốn, đầu cơ tiền gửi thời gian ngắn.

Tuy nhiên, rất có thể chính sách trên và áp lực lạm phát sẽ khiến vốn huy động thời gian tới tiếp tục dồn vào kỳ hạn ngắn, khiến hoạt động của các ngân hàng hứng chịu rủi ro.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện tại quy định ngân hàng thương mại chỉ được dùng 25% huy động không kỳ hạn của DN, tổ chức cho vay; Tiền vay của tổ chức trong nước, tiền vay của tổ chức tín dụng khác phải có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên có thể khiến các ngân hàng phải lách bằng các thỏa thuận kỳ hạn trung, dài hạn trên hợp đồng, trong khi thực tế tiền huy động chỉ ở kỳ hạn rất ngắn.

“Khi cấp tín dụng thường ở các kỳ hạn dài hơi và như vậy dễ gây mất cân đối vốn tại các kỳ hạn, dẫn tới rủi ro lớn về thanh khoản”, ông nói.

Hiện tại, theo ông Nghĩa, các ngân hàng thương mại vẫn đối mặt với tình trạng nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân cư có xu hướng giảm, do thu nhập của người dân giảm khi giá cả tăng cao. Trong khi đó, thanh khoản VNĐ có xu hướng căng thẳng khi chính sách tiền tệ chặt chẽ được Ngân hàng Nhà nước thực thi thông qua tăng các lãi suất chủ chốt như tái cấp vốn, tái chiết khấu lên 12%/năm. Nguồn huy động VNĐ thấp, trong khi nhu cầu gối đầu từ những hợp đồng tín dụng trước khá lớn. Điều này thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng vọt lên 18-20%/năm.
 
Theo Anh Vũ
Báo Thanh Niên