Xoá hàng chục nghìn tỷ đồng nợ thuế: Đề xuất lập hội đồng tư vấn để tránh "nhập nhèm"

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội đề xuất phải thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế, vì làm “một gói” với số tiền không nhỏ nên cần đảm bảo minh bạch, công khai.

Xoá hàng chục nghìn tỷ đồng nợ thuế: Đề xuất lập hội đồng tư vấn để tránh nhập nhèm - 1

Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, trong đó có tới hơn nửa là không có khả năng thu ngân sách.

Góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tại hội thảo diễn ra tuần qua, Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, dù luật không quy định thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế, nhưng riêng đối với Nghị quyết này, nên thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế.

"Chúng ta làm một gói với số tiền không nhỏ, do đó, để đảm bảo minh bạch, công khai nên thành lập hội đồng tư vấn và tự giải thể khi nhiệm vụ hoàn thành”, ông Chiểu nói.

Bên cạnh đó ông Chiểu cũng cho rằng cần nêu rõ Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán khi đã hoàn thành nhiệm vụ này để đảm bảo sự minh bạch. Cần bổ sung xử lý vi phạm cá nhân người có thẩm quyền phải cao hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đồng quan điểm, Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng, Nghị quyết ban hành phải nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý đủ mạnh đối với người có thẩm quyền xử lý nợ đọng, việc cần thiết phải thành lập hội đồng tư vấn xóa nợ thuế.

Đại biểu cũng đề xuất trong trong Nghị quyết cần nhấn mạnh thêm về trách nhiệm tuyên truyền vì hiện nay vẫn có luồng suy nghĩ cho rằng xóa nợ là chúng ta mất ngân sách và tại sao lại phát sinh khoản nợ lớn như vậy, có phải do quản lý kém hay không? Cũng từ đó để tuyên truyền rõ sự cần thiết phải có Nghị quyết riêng về xóa nợ này.

Trước đó, ngày 13/08/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 07/2019, trong đó Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội. 

Theo Bộ Tài chính, trên thực tế, hàng năm có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, rời bỏ thị trường nhưng chưa được xử lý tiền nợ thuế do không đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2015-2018 thu đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 14,4%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh: từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 6,7%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.

Từ tình hình trên, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Quang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, đây là chính sách lớn, nhiều nội dung nằm ngoài quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và dự kiến số tiền xóa nợ theo tiêu chí trong Tờ trình của Chính phủ là rất lớn, có thể tác động đến số thu ngân sách Nhà nước, liên quan đến ý thức tuân thủ pháp luật về thuế cũng như đảm bảo sự công bằng giữa người nộp thuế.

Bàn sâu hơn về nội dung Nghị quyết, Đại biểu Trần Quang Chiểu khẳng định: Nghị quyết chỉ xóa nợ đối với tiền chậm nộp, chậm phạt chứ không xóa nợ gốc và hoàn toàn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành vì Luật Quản lý thuế sửa đổi (Luật 38) không điều chỉnh các khoản nợ trước 1/7/2020.

Bên cạnh đó, xóa nghĩa vụ nộp thuế đối với người nộp thuế (tiền danh nghĩa) chứ không xóa tiền nộp trong ngân sách, không gây thiệt hại cho ngân sách “nó khác với tiền nợ xấu, nợ khó đòi của ngân hàng vì tiền ngân hàng là đem tiền thật ra, mất tiền thật”, ông Chiểu giải thích.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ một số nội dung như: Đề nghị làm rõ tiền thuế nợ và không có khả năng thu hồi. Cần làm rõ thế nào là đối tượng không có khả năng thu hồi nợ thuế? Nếu quy định rõ đối tượng không còn khả năng nộp thuế mới đảm bảo tính thống nhất và công bằng.

Phương Dung