"Xin hỏi Bộ trưởng gói 30.000 tỷ đến đâu rồi?"

(Dân trí) - "Gói hỗ trợ giờ đến đâu rồi, đang sử dụng không hiệu quả? Nếu không được, đề nghị trả Quốc hội phần còn lại chưa giải ngân”, đại biểu Ngô Văn Minh (ủy viên thường trực UB Pháp luật của QH) chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng ngày 6/3.

Tại phiên họp thẩm tra luật Nhà ở sửa đổi tại UB Pháp luật của QH sáng 6/3, đại biểu Ngô Văn Minh (ủy viên thường trực UB Pháp luật của QH) đặt vấn đề, làm chính sách là phải tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, do đó Luật nhà ở (sửa đổi) cần phải có những quy định, cơ chế quy định về nội dung này, đặc biệt tránh việc lợi dụng chính sách này để phát triển nhà ở thương mại, gây tình trạng sốt ảo…

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Việt Nam "bơi" trong 2% hoạt động làm ăn của doanh nghiệp Nhật

Chính sách với nhà ở thương mại hiện nay, theo ông Minh vẫn dàn trải. Theo quy luật kinh tế thị trường, đại biểu đề nghị “buông” lĩnh vực này, để các doanh nghiệp tự vật lộn, kinh doanh, chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”. Các chính sách hỗ trợ nên hướng đến khu vực nhà ở nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo ông Minh, sở dĩ chính sách nhằm tạo điều kiện lành mạnh hóa thị trường bất động sản và hỗ trợ người có thu nhập thấp có nhà ở nhưng lại không thể đi vào cuộc sống là do từ điều kiện được vay đến lãi suất và thời hạn cho vay đều không phù hợp.

Sẽ nới các điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ sớm có quy định về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với gói tín dụng 30.000 tỷ.

Đề cập đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, đại biểu góp băn khoăn về việc tỷ lệ giải ngân quá thấp, đến nay chỉ được gần 9%. “Trong số 30.000 tỷ, theo kế hoạch 30% dành cho doanh nghiệp vay làm nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai bao nhiêu, 70% dành cho người dân mua nhà vay cũng không làm được. Vậy gói hỗ trợ giờ đến đâu rồi, đang sử dụng không hiệu quả? Nếu không được, đề nghị trả Quốc hội phần còn lại chưa giải ngân” – ông Minh nêu một loạt câu hỏi.

Theo ủy viên thường trực UB Pháp luật, gói tín dụng cần có thời hạn cho vay dài hơn, lãi suất thấp hơn và nên quy định cho tín chấp hoặc thế chấp ngay căn hộ người dân đăng ký mua, đồng thời không nên khống chế mức vay tối đa thì chính sách này mới đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, gói hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà này vẫn tiếp tục giải ngân, đối tượng đã xác định là người mua nhà thương mại diện tích dưới 70m2 hoặc mua nhà ở xã hội. Xác nhận việc giải ngân còn chậm nhưng ông Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm, gói tín dụng này để hỗ trợ người nghèo, không tiêu thì vẫn còn đấy, không thể vì vội mà làm sai đối tượng, sai mục đích.

Ông Dũng phân tích, gói tín dụng có tính chất lâu dài mà muốn tăng lượng giải ngân thì cần nhiều nhà xã hội, nhà giá rẻ hơn nữa.

“Mỗi hộ được vay tối đa 500 triệu đồng khi mua nhà thì phải 40.000 hộ vay thì mới giải ngân được 20.000 tỷ. Trong khi đó, thời gian qua chúng ta mới xây được vài nghìn căn nhà ở xã hội thì sao đẩy nhanh giải ngân được. Nếu vội đẩy, tiền hỗ trợ có thể sẽ rơi vào đối tượng khác, không đúng với mục tiêu ban đầu” – Bộ trưởng Xây dựng phân tích.

Một lần nữa khẳng định chính sách này có mục tiêu rất tốt, chỉ là việc thực hiện chưa được như mong muốn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thông tin, có thể nới lỏng các điều kiện cho vay để người dân có thể tiếp cận.

Được biết, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị cùng 4 bộ ngành khác ký thông tư quy định về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với những căn hộ được đăng ký mua để nhiều người dân có thể đủ điều kiện vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng hơn.

P.Thảo