Giảm lãi suất cho vay gói 30.000 tỷ đồng xuống còn 5%
(Dân trí) - Thống đốc NHNN vừa quyết định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở thuộc gói 30.000 tỷ đồng là 5%/năm, tức giảm 1%/năm so với trước đây.
Ngày 2/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 21 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở thuộc gói 30.000 tỷ đồng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11 ngày 15/5/2013 là 5%/năm. Với mức này, lãi suất cho vay hỗ trợ đã giảm 1%/năm so với trước đây.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, 2/1/2014.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 12/2013, giá trị giải ngân gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở mới chỉ đạt 555 tỷ đồng, trong tổng số 1.654 tỷ đồng cam kết.
Cũng tính đến thời điểm trên, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận bằng văn bản về việc đăng ký hợp đồng cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng. Có 6 doanh nghiệp đã được giải ngân số tiền 205 tỷ đồng.
Về phía khách hàng cá nhân, thống kê từ 5 ngân hàng được chỉ định giải ngân gói 30.000 tỷ đồng gồm BIDV, MHB, Vietcombank, Vietinbank, Agribank cho thấy, các tổ chức tín dụng cũng đã cam kết cho vay 1.450 khách hàng cá nhân với số tiền là 527 tỷ đồng; trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 1.436 khách hàng với dư nợ 350 tỷ đồng.
Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ xem xét và đề xuất Chính phủ mở rộng thêm nhóm ngân hàng tham gia cho vay gói tín dụng ưu đãi, thủ tục hồ sơ và điều kiện không thay đổi.
Còn theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng muốn thực hiện nhanh phải có nhiều doanh nghiệp tham gia và nguồn cung nhà ở xã hội phải nhiều; nhưng hiện nay nguồn lại ít trong khi thủ tục lại nhiều và sự vào cuộc của các cơ quan liên quan còn chưa hiệu quả.