Xếp hạng quốc gia BestViet: cảnh báo sớm về chất lượng việc làm

Chương trình xếp hạng quốc gia về việc làm BestViet dự kiến sẽ được công bố chính thức vào ngày 21/12/2013 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội.

Chương trình Xếp hạng quốc gia về việc làm BestViet được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội nhằm hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc xứng đáng và công bằng cho người lao động; vừa đưa ra kết quả ban đầu của báo cáo nghiên cứu “Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: hiện trạng và sức ép thay đổi”.

Chất lượng việc làm đáng lo hơn tình trạng thất nghiệp?

Theo số liệu thống kê chính thức, tình trạng thất nghiệp không phải là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay. Tới thời điểm 6/2013, trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ khoảng 2,28%.

Nguồn:
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Chương trình Xếp hạng quốc gia về việc làm BestViet

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Tuy nhiên, công tác lao động việc làm của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề chất lượng việc làm. Có một số lượng lớn lao động chưa có “việc làm xứng đáng” cho dù họ không thất nghiệp. Theo điều tra toàn quốc của Tổng cục Thống kê, chất lượng việc làm cho thanh niên tuổi từ 15 đến 29 đang gióng lên hồi chuông báo động. Trên một nửa lao động thanh niên phải làm những công việc năng suất thấp. Cứ 10 người, có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời).

Tới thời điểm cuối năm 2012, chỉ có chưa đến 10% lực lượng lao động có được những công việc tốt, với tư cách là nhà quản lý, hoặc người lao động có chuyên môn kỹ thuật. Đại đa số người lao động đang làm những công việc giản đơn (40,44%) hoặc dịch vụ cá nhân hoặc bảo vệ bán hàng (16,07%). Có một sự lãng phí lớn trong sử dụng lao động ở Việt Nam. Cứ 10 thanh niên 15-29 tuổi lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, khiến thu nhập của họ thấp hơn mức đáng lẽ họ có thể được hưởng và họ không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng năng suất lao động của mình.

Như vậy, môi trường làm việc và tính chất công việc đang là vấn đề nóng bỏng trong công tác lao động việc làm của Việt Nam hiện nay. Người lao động không chỉ cần có việc làm, mà cần phải có “việc làm xứng đáng”, với năng suất lao động tương xứng năng lực, mức tiền lương công bằng, và có triển vọng phát triển cá nhân và hội nhập xã hội.

Người lao động đang “bóc ngắn, cắn dài”

Trong bối cảnh đó, kết quả điều tra của BestViet cho thấy tại thời điểm khó khăn hiện nay người lao động vẫn chú trọng vào những lợi ích ngắn hạn như tiền lương, tiền thưởng, hơn là những lợi ích trung hạn và dài hạn của công việc như chế độ đào tạo, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc hiện đại...

Kết quả điều tra của Chương trình BestViet cho thấy lương, thưởng và đãi ngộ vật chất giữ vai trò quan trọng hàng đầu theo đánh giá của người lao động về nơi làm việc tốt nhất (được đánh giá với tỷ lệ 32% khi người lao động được hỏi về phân chia tầm quan trọng của 4 yếu tố tạo nên nơi làm việc tốt). Bối cảnh khó khăn, lạm phát cao, chi phí sinh hoạt gia tăng nhanh khiến cho người lao động phải hy sinh các lợi ích dài hạn để tập trung vào mục tiêu bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tiếp theo các đãi ngộ vật chất, đặc tính nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến cũng được người lao động nhìn nhận là yếu tố quan trọng quyết định sự hấp dẫn của nơi làm việc với tỷ lệ đánh giá là 27%. Các vấn đề như văn hóa doanh nghiệp hay uy tín doanh nghiệp được đánh giá với tỷ lệ tương ứng là 21 và 20%

Người lao động và nhà tuyển dụng: đâu là điểm cân bằng lợi ích để phát triển?

Trong khi đó, tại các điều tra tương tự trên thế giới, người lao động thường chú trọng hơn vào các mục tiêu trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, người lao động trên thế giới rất chú ý vào cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Như vậy, các nhà tuyển dụng ở Việt Nam đang ngày càng chịu nhiều áp lực. Khi nền kinh tế Việt Nam chạm ngưỡng thu nhập trung bình và càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn nhiều hơn trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài và khuyến khích, động viên người lao động.

Hiện nay, các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu cũng ý thức được tầm quan trọng của mức lương đối với người lao động. Từ năm 2009-2012, mức lương trung bình tại các doanh nghiệp được điều tra đã tăng trên 35%.

Trong số trên 1000 doanh nghiệp được điều tra trong Chương trình BestViet, mức thu nhập trung bình của người lao động năm 2012 lên tới 11,2 triệu/tháng. Trong đó, mức lương ở các ngành viễn thông, tư vấn quản trị, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm... ở vị trí hàng đầu. Các nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam đang đáp ứng yêu cầu của người lao động chủ yếu theo phương thức gia tăng thu nhập cho người lao động. Cho dù cách làm này là đúng hướng, nhưng nó là chưa đủ.

Để có thể khai thác và phát triển hiệu quả nguồn lực lao động – nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp cũng như của quốc gia – các doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận toàn diện hơn trong hoạt động tuyển dụng và đãi ngộ người lao động, cũng như cung cấp nhiều lợi ích ngoài lương hơn cho người lao động. Trong đó, doanh nghiệp cần chú trọng tới gây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng. Gây dựng được thương hiệu nhà tuyển dụng tốt giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong tuyển dụng nhân sự, thuận lợi hơn trong việc tạo động lực cho nhân viên và tạo sức mạnh tập thể bởi sự chia sẻ sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp được thông suốt trong nội bộ và việc duy trì văn hóa doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn.

Chương trình BestViet

Xếp hạng Quốc gia về Việc làm BestViet là chương trình đánh giá, khảo sát, xếp hạng quốc gia về môi trường làm việc và sự hài lòng của người lao động tại các doanh nghiệp Việt Nam, được thực hiện và công bố thường niên dưới sự bảo trợ của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Việt Nam, Tạp chí Lao động – Xã hội, cùng sự tham gia tư vấn của các chuyên gia giầu kinh nghiệm làm việc với Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành uy tín trong và ngoài nước.

Ý nghĩa khi được xếp hạng và tham gia Chương trình Quốc gia về việc làm BestViet: Được xếp hạng quốc gia BestViet chứng tỏ doanh nghiệp đã có những nỗ lực và thành tựu ở mức cao nhất về triển vọng phát triển kinh doanh, chính sách nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, qua đó mang lại những lợi ích hữu hình cho doanh nghiệp.

Được xếp hạng trong BestViet – trợ giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài và người lao động chất lượng cao tham gia tuyển dụng và làm việc lâu dài tại doanh nghiệp.

TS. Trần Ngọc Diễn

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước