Xếp hàng mua vàng ở SJC
Tại SJC, vào giữa buổi sáng và đầu phiên giao dịch buổi chiều 2/10 (khi giá vàng tăng sát ngưỡng 48 triệu đồng/lượng) đã tái diễn cảnh người dân xếp hàng để mua và bán vàng.
Sáng 2/10, giá vàng trong nước “lù lù” tiến về sát ngưỡng 48 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân giá vàng tăng vững chắc suốt từ tháng 9 đến nay được các chuyên gia khẳng định là do giá thế giới, đặc biệt là hôm qua giá vàng chạm mốc 1.779 USD/ounce, cao nhất kể từ đầu năm.
Ra bao nhiêu, ngốn bấy nhiêu
Tuy vậy, đây vẫn không phải là ngưỡng mong đợi từ thị trường. Giới đầu tư kỳ vọng nhiều hơn thế vào những chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho nền kinh tế. Trong phiên giao dịch trước đó, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã mua thêm hơn 1,8 tấn vàng. Tất cả yếu tố này khiến giá vàng trong nước trụ vững ở ngưỡng cao.
Điều đáng nói ở đây là giá vàng trong nước suốt thời gian qua tăng nhanh hơn giá thế giới. Ngày 19/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng với hy vọng kéo giảm giá vàng trong nước. Tại thời điểm này, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là hơn 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, khoảng cách đã là 3 triệu đồng/lượng.
Trước đó, vào đầu tháng 9, NHNN tung ra 48.000 lượng vàng SJC, trong đó có vàng miếng cong vênh, vàng chuyển đổi. Và tại thời điểm này chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ dưới 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tuy đang tựa lưng vào giá vàng thế giới nhưng vẫn không thoát khỏi những tác động từ yếu tố trong nước. Cụ thể, sức cầu của vàng quá lớn mà nguồn cung như mưa nhỏ giọt. Bên cạnh đó, những biến động tình hình tài chính thời gian qua khiến người dân muốn giữ vàng kỹ hơn. Thành ra vàng SJC ra tới đâu thị trường như “ngốn” hết tới đó. Đó là chưa kể, bản thân một số ngân hàng hiện nay cũng phải mua vàng vào để cân bằng trạng thái.
Bao bì cũ hay mới giá cũng tương đương
Tại SJC, vào giữa buổi sáng và đầu phiên giao dịch buổi chiều 2/10 đã tái diễn cảnh người dân xếp hàng để mua và bán vàng. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, giá vàng thị trường ngày hôm qua có cả lực mua và lực bán nhưng số lượng mua gần gấp đôi so với số lượng bán.
Không chỉ xếp hàng mua, nhiều khách hàng ùn ùn kéo đến SJC để đổi vỏ bao bì cũ lấy bao bì mới. Ông Tường cho hay sau khi thị trường xuất hiện vàng nhái SJC, nhiều người đã lo lắng mang vàng tới đây đổi vỏ bao bì. “Để phục vụ nhu cầu của người dân, chúng tôi đã đem máy móc thiết bị đến ngay trụ sở để dập bao bì và kiểm định cho khách hàng. Quá trình đổi bao bì được dập bằng máy và kiểm tra nên khách hàng cảm thấy yên tâm hơn” - ông nói thêm.
Theo ông Tường, vỏ bao bì cũ hay mới thì giá cả mua bán cũng như nhau, chủ yếu là do tâm lý của khách hàng. Trong ngày hôm qua, người dân xếp hàng chủ yếu là đổi vỏ bao bì mới và khách hàng đến để bán vàng miếng cong vênh, móp méo, nhỏ lẻ.
“Vẫn còn một số khách hàng đến bán vàng miếng cong vênh, móp méo nên khi mua chúng tôi phải cắt vỏ để kiểm tra. Việc thay bao bì chỉ mất 5.000 đồng nhưng dập lại vàng cong, vênh mất 50.000 đồng/lượng” - ông Tường cho biết.
Ngoài ra, ông Tường còn khẳng định tổng số lượng vàng nhái SJC đến nay cũng chỉ có 80 lượng.
Lúc 17h ngày 2/10, giá vàng miếng SJC mua vào 47,55 triệu đồng/lượng, bán ra 47,85 triệu đồng/lượng, tăng hơn 400.000 đồng/lượng. Hiện giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng.
Người dân nên bình tĩnh
NHNN đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng và áp dụng các biện pháp thích hợp để thị trường dần đi vào ổn định. NHNN cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi mua bán trên thị trường để tránh những thiệt hại không đáng có.
Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN
Đã hoàn thành gần 45.000 lượng vàng
Trong số 350.000 lượng vàng, tính đến 2/10, SJC đã gần hoàn thành 45.000 lượng đưa ra thị trường. Quá trình thực hiện hơi chậm vì việc kiểm định chất lượng vàng phi SJC mất nhiều thời gian. Công ty SJC đang tích cực tăng ca, tăng nhân sự để sớm hoàn thành số vàng trên ra thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM |
Theo Yên Trang
PLTPHCM