Xây dựng lộ trình giá xi măng theo quy luật thị trường
Năm 2006, dự kiến giá nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng sẽ còn tăng cao gây áp lực lên giá bán sản phẩm. Tuy nhiên việc tăng giá xi măng cần có một lộ trình hợp lý đảm bảo lợi ích các bên và phù hợp với định hướng phát triển ngành.
Mấy ngày nay, giá xi măng ở một số địa bàn TPHCM tăng từ 12.000 - 15.000 đồng/tấn. Có dư luận rằng do "khan” xi măng nên khu vực tiêu thụ xi măng nhạy cảm nhất cả nước là TPHCM tăng giá.
Nhưng thực tế, đến thời điểm 4/1/2006, dự trữ xi măng của Tổng công ty xi măng là 1,4 triệu tấn. Vì vậy, dự trữ xi măng của cả ngành xi măng bao gồm: Tổng công ty xi măng Việt Nam, các liên doanh sản xuất xi măng, các nhà máy xi măng lò đứng "thừa sức" cung cấp cho nhu cầu của thị trường.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có một "động thái" tăng giá xi măng từ phía Chính phủ cũng như các nhà sản xuất xi măng, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của ngành này tăng rất cao.
Việc tăng giá xi măng trên là do các nhà sản xuất cắt giảm các khoản hoa hồng, khuyến mại, chi phí vận chuyển, thưởng khách hàng của nhà phân phối và đại lý, khiến họ đã mất một phần lãi thực tế. Do vậy, các đại lý đã tăng giá bán thêm từ 12.000-15.000 đ/tấn, đồng thời giảm hỗ trợ chi phí vận chuyển cho người mua.
Theo đánh giá của Hiệp hội xi măng Việt Nam, lợi nhuận của ngành đang giảm dần theo các năm và tiếp tục giảm mạnh vào năm 2006, do ảnh hưởng của việc tăng giá một số vật tư đầu vào như: than, điện, xăng, dầu, vận tải, clinker nhập ngoại...
Chỉ tính riêng năm 2005, giá vật tư đầu vào đã làm cho giá xi măng bình quân tăng gần 30.000 đồng/tấn. Với mức tăng giá bình quân chi phí nguyên liệu cho sản xuất một tấn xi măng đã tăng như vậy, giá bán xi măng nếu vẫn giữ cố định như hiện nay thì coi như ... lỗ lớn!
Với mức giá bán xi măng như hiện nay, Tổng công ty xi măng Việt Nam cũng như nhiều nhà sản xuất xi măng lại như ngồi trên "đống lửa", họ đều cho rằng khó có thể duy trì mức giá xi măng thấp như hiện nay.
Càng khó khăn hơn đối với những nhà máy mới xây dựng vừa đi vào hoạt động phải chịu lỗ 2 đến 4 năm đầu. Năm 2006, dự báo giá nhập khẩu clinker sẽ còn leo lên gần 30 USD/tấn FOB, giá thành xi măng trong nước sẽ lên tới trên 850.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, là một ngành vật liệu xây dựng quan trọng, giá bán xi măng nhất thiết phải có một lộ trình hợp lý để các đơn vị sản xuất, kinh doanh xi măng, cũng như người tiêu dùng lường hết những diễn biến thị trường, chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố "bất ngờ" có thể làm biến động thị trường, phù hợp với xu thế hội nhập và đảm bảo lợi ích cho cả Nhà nước, nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng...
Mặt khác, lộ trình giá cho xi măng còn có tác dụng như một định hướng cho sự đầu tư đối với ngành xi măng trong nhiều năm tới.
Theo Đàm Hải Vân
VnEconomy