Xăng giảm giá, hàng hóa vẫn đứng im!

Nhiều doanh nghiệp vận tải, sản xuất hàng hóa than khó khăn không thể giảm giá.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Chiều 22/12, xăng RON 92 giảm 2.050 đồng/lít, mức giảm sâu nhất trong vòng bốn năm qua. Theo tính toán của chúng tôi, trong năm nay đã có 12 lần xăng dầu giảm giá.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) vận chuyển hàng hóa, hành khách cho rằng giá xăng giảm sâu nhưng DN cần phải có lộ trình, tính toán mới có mức giảm giá cước, giá vé phù hợp được.

Doanh nghiệp vận tải kêu khổ

Ông Vũ Đình Phúc, Chủ nhiệm HTX Cửu Long, chia sẻ: “Đợt trước khi giá xăng dầu giảm lần 11, HTX đã giảm giá vé 6%. Giờ giá xăng dầu giảm mạnh thật nhưng không thể ép đơn vị vận tải giảm giá vé ngay được. HTX cũng phải tự tính toán lại phần chi phí giảm khi giá xăng dầu giảm, rồi bàn bạc với các đơn vị vận tải khác để có hướng giảm giá vé phù hợp trong thời gian sớm nhất”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng, cho rằng vừa rồi DN đã giảm giá vé xuống 2%. Hiện giá vé tuyến Hà Nội - TP.HCM chỉ còn mức 700.000 đồng/vé đối với ghế ngả, vé giường nằm cũng chỉ 920.000 đồng/vé. DN khó mà giảm tiếp giá vé xe nữa vì hiện tại giá vé đã xuống mức gần đáy, giảm nữa là DN lỗ.

Chiều 22-12, xăng RON 92 giảm 2.050 đồng/lít, mức giảm sâu nhất trong vòng bốn năm qua. Ảnh: HTD
Chiều 22-12, xăng RON 92 giảm 2.050 đồng/lít, mức giảm sâu nhất trong vòng bốn năm qua. Ảnh: HTD

“Số lượng xe chở khách nhiều không kể hết, tình trạng xe “dù” vẫn còn. Song số lượng khách chọn phương tiện đi bằng xe lại giảm vì họ chuyển sang đi bằng tàu, máy bay. Tính cạnh tranh trong vận tải hành khách ngày càng khốc liệt. Nhiều DN vận tải đã phải đóng cửa vì thua lỗ. Nhiều loại thuế và phí, chi phí sửa, bảo trì xe cao, các tuyến đường xấu đang khiến chi phí của DN bị đội lên, không hề giảm” - ông Thắng bộc bạch.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục khuyến cáo, góp ý các đơn vị vận tải để có hướng giảm giá cước, không thể chỉ đạo ép DN giảm giá cước vận tải được. Giá cước muốn giảm còn phụ thuộc vào hợp đồng vận tải giữa DN vận tải và khách hàng, trong đó có những thỏa thuận, giá xăng dầu giảm ở mức nào thì mới điều chỉnh được.

Giá thực phẩm “ngồi yên”

Khảo sát tại một số chợ cho thấy giá các mặt hàng rau củ vẫn ổn định như cà chua 10.000-12.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 35.000 đồng/kg, xà lách Đà Lạt 35.000 đồng/kg…

Chị Lê Thị Hiền, tiểu thương hàng rau củ, cho biết giá xăng giảm mấy đợt nhưng nhà xe chở hàng chưa giảm cước.

Tương tự, các mặt hàng khác như thịt gia cầm, gia súc cũng không giảm. Thịt heo các loại như thịt nạc, thịt đùi, thịt ba rọi 85.000-100.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp 45.000 đồng/kg, gà tam hoàng 60.000-62.000 đồng/kg…

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, cho hay giá xăng dầu giảm liên tục nhưng giá cả vẫn chưa điều chỉnh. Giá giảm hay tăng hiện nay là do cung cầu chi phối. Nhiều mặt hàng đã chạm tới đáy, không thể giảm hơn.

Đại diện Siêu thị Lotte Mart cho biết giá xăng dầu từ đầu năm đến nay nhiều lần giảm nhưng nhìn chung các nhà cung cấp ở các ngành hàng đa số đều không giảm giá. Nguyên do là phí vận chuyển đã được tính toán từ trước không ảnh hưởng trực tiếp lên sản phẩm khi có biến động về giá nhiên liệu. Hiện các nhà cung cấp sản phẩm cho siêu thị có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi cũng là hình thức giảm giá cho người tiêu dùng.
 
Theo Quang Huy - Tú Uyên
Pháp Luật TPHCM
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”