Xăng giảm giá - cước vận tải ào ào tăng

Sau hai lần giảm giá xăng dầu, DN vận tải không những không giảm giá cước mà còn tranh thủ “tát nước theo mưa” khi tăng cước vận tải từ 7 đến 50% trong dịp lễ 30/4 tới.

Đã có 37 tuyến xe khách tại Hà Nội tăng giá vé dịp 30/4.
Đã có 37 tuyến xe khách tại Hà Nội tăng giá vé dịp 30/4.

 

Theo tìm hiểu của PV tính đến chiều qua (22/4), đã có 37 tuyến xe khách liên tỉnh của 13 DN vận tải hoạt động tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội thông báo tăng giá vé dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Mức tăng mà các DN đưa ra từ 7 đến 50%.

 

Trong đó bến xe Mỹ Đình có số lượng tuyến xe khách tăng giá vé nhiều nhất: 33 tuyến của 12 DN; bến xe Gia Lâm 4 tuyến của một DN. Theo đó, nếu giá vé hiện tại từ Mỹ Đình về Sơn La có mức 180.000 đồng thì dịp 30/4 tới sẽ được Cty vận tải Hưng Thành tăng lên 220.000 đồng (tăng 22%); Mỹ Đình về Kim Sơn (Ninh Bình) có giá 75.000 đồng, dịp 30/4 được Cty vận tải ô tô Ninh Bình tăng lên 90.000 đồng (tăng - 20%).

 

Cá biệt, có DN tăng giá vé dịp 30/4 lên 50%. Cụ thể, từ BX Mỹ Đình về Trực Ninh (Nam Định) có giá 40.000 đồng nhưng dịp 30/4 cũng với chặng đường này Cty vận tải Nam Trực sẽ tăng giá vé lên 60.000 đồng.

 

Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, sau hai lần giảm giá xăng dầu vừa qua cộng lại cũng chỉ gần 1.000 đồng, chưa bằng mức tăng 1.400 đồng lít xăng ở thời điểm 28/3 nên để không phải bù lỗ các DN vận tải cho rằng họ buộc phải tăng giá vé.

 

Còn đại diện hãng vận tải Nam Trực, đơn vị vừa tăng giá vé tới 50% từ Mỹ Đình về Trực Ninh (Nam Định) cho rằng, trước các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, đơn vị chưa tăng giá do vậy để bằng với giá các DN vận tải khác lần này họ phải điều chỉnh cho hợp lý.

 

Chiều qua, trao đổi với PV, ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội cho biết: Dịp 30/4 và 1/5 cũng là thời gian cao điểm của ngành đường sắt nên vé đi lại trên một số tuyến, đặc biệt là các tuyến địa phương có tăng ở mức nhẹ khoảng 5% so với ngày bình thường.

 

“Việc tăng giá vé của nhà ga là đã có kế hoạch từ đầu năm và không liên quan gì đến giá xăng dầu trên thị trường”, ông Rậu nói. Theo trưởng ga Hà Nội, tính đến chiều 22/4 vé đi vào các ngày từ 27/4 đến 1/5 đã được bán hết, trên một số đôi tàu hiện chỉ còn ghế ngồi phụ và đang được nhà ga tổ chức bán tiếp.

 

Đề nghị minh bạch giá xăng dầu

 

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho biết, doanh nghiệp taxi sẽ phải giảm giá cước để giữ khách nhưng “cần một thời gian ngắn nữa”. Cũng theo ông Bình, ngoài vấn đề thủ tục, lần này các doanh nghiệp taxi chậm giảm giá để “cứu vớt” chi phí của những lần thay đổi giá vừa qua.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, tân Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, những ngày qua, các doanh nghiệp đã rất mệt mỏi với sự “nhảy múa” của giá xăng dầu. Để thay đổi giá cước, doanh nghiệp taxi buộc phải cho xe ngừng hoạt động để làm thủ tục, thay đồng hồ kiểm định.

 

Theo ông Thanh, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay khiến cho doanh nghiệp vận tải xoay như chong chóng. Ông Thanh và ông Bình đề nghị cần minh bạch cách tính giá xăng dầu, công khai thông tin để doanh nghiệp theo dõi, ứng phó kịp thời.

 

Ông Bình cho rằng, thông tin về cơ cấu, diễn biến về giá xăng cần công khai trên internet để doanh nghiệp theo dõi. Ông Bình cũng đề nghị, cần tạo điều kiện để có thêm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoặc chia nhỏ các doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối (như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) để tạo thị trường thực sự cạnh tranh.

 

Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, sau hai lần giảm giá xăng dầu vừa qua cộng lại cũng chỉ gần 1.000 đồng, chưa bằng mức tăng 1.400 đồng lít xăng ở thời điểm 28/3 nên để không phải bù lỗ các DN vận tải cho rằng họ buộc phải tăng giá vé.

 

Theo Trọng Đảng - Sỹ Lực

Tiền phong