Xăng dầu tăng giá: Tàu xa bờ nằm bờ hàng loạt
Sáng 10/8 tại bến cảng tàu cá sông Hàn, hơn 200 tàu đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân Đà Nẵng cùng ngư dân các tỉnh lân cận... vẫn nằm bờ cho dù mùa vụ đánh bắt đang trôi qua. Ở ĐBSCL, các chủ tàu cũng căng thẳng vì lo ngại bạn biển có thể sẽ lần lượt bỏ tàu để tìm phương kế sinh nhai khác...
Miền Trung: Hàng trăm tàu thuyền nằm lại bờ
Nguyên nhân một phần ngoài khơi đang bão gió, nhưng phần lớn đang cân nhắc việc lỗ lãi khi tình hình giá xăng dầu cứ tăng vùn vụt.
Ông Lê Văn Quang-chủ tàu cung ứng xăng dầu QĐ 0559H cho biết, dầu diezel tăng giá mỗi lít 700 đồng, nên chuyến ra khơi này mỗi tàu tăng chi phí từ 2,1-3 triệu đồng. Giá dầu tăng kỳ này ông lỗ hàng chục triệu đồng vì ngư dân mượn dầu đi chuyến trước vẫn trả tiền theo giá cũ.
Một thuỷ thủ tàu đánh cá QNG 9859 BTS thì than: “Giá nhiên liệu cứ tăng hoài như vậy thì nhiều tàu phải nằm bờ thôi vì nợ nần chuyến trước chưa trả, chuyến sau đã chồng lên. Tàu tôi đi cả tháng ngoài biển, nhiên liệu chiếm chủ yếu trong chi phí. Giá cá bán lại không tăng nên nhiều tàu cũng không còn muốn ra khơi”.
Giá nhiên liệu tăng từ 700-1.000 đồng/lít cũng làm giới kinh doanh xe vận chuyển hàng hoá đường dài gặp khó khăn, nhưng chủ xe 43H17... chuyên chở laghim từ Đà Lạt về Đà Nẵng không giấu giếm: “Trời mưa đất chịu. xăng dầu tăng thì giá vận chuyển cũng phải tăng tương ứng và một kilôgram rau quả cũng bán cao hơn trước đây”.
Như vậy, cuối cùng người dân cũng phải gánh chịu thiệt thòi. Riêng đến chiều ngày 10/8, 5 hãng taxi đang kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng từ chối bình luận. Họ cho biết, đến thời điểm này thì chủ trương không tăng giá, nhưng vài ngày tới thì không dám hứa.
ĐBSCL: Bạn biển có thể sẽ bỏ tàu
Mặc dù đã quen với chuyện tăng giá nhiên liệu, nhưng sáng qua, 10/8, khi lấy dầu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nghe chủ cây xăng báo giá 8.700 đồng/lít, anh Huỳnh Văn Hiền, một chủ ghe ở khu phố Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Thanh (thành phố Rạch Giá - Kiên Giang) vẫn thấy bức xúc: “Sao cứ lên hoài vậy, ngư dân chịu sao cho thấu!”.
Anh Hiền cho biết, phương tiện công suất chỉ 45CV do làm nghề lưới thưng nên có 10 lao động đi bạn vẫn chưa đủ. Tháng rồi anh em ngư phủ cũng chỉ chia được mỗi người hai triệu. Tháng này giá dầu lại tăng, thu nhập của ngư phủ chắc chắn sẽ giảm.
Anh Nguyễn Đức Trung, một chủ tàu cào đôi máy HINO 8 (1.000CV) ở khu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Quang (Rạch Giá) nói rằng: “Một cặp tàu cào đôi máy HINO 10 một chuyến biển phải tốn khoảng 35.000 lít dầu, giá dầu thị trường tăng 850 đồng/lít, coi như cả chủ ghe và ngư phủ bị mất 30 triệu đồng, chưa kể giá nước đá cũng sẽ tăng theo giá dầu.
Chi phí nhiên liệu tăng chẳng những thu nhập chuyến biển sẽ giảm từ bình quân 2 triệu/người còn khoảng 1,7 triệu mà chủ tàu càng khó kiếm người “đi bạn”.
Mỗi cặp tàu cào đôi cần 21 lao động. Chủ tàu vừa phải cho họ mượn trước vài trăm ngàn để lại cho gia đình nhưng có chuyến đến giờ ra khơi, ngư phủ bỏ ngang, thiếu 3 lao động là tàu phải đậu chờ.
Ông Châu Công Băng-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho biết, ngư dân Cà Mau sẽ phải gánh thêm gần 5 tỉ đồng chi phí nhiên liệu do đợt tăng giá xăng dầu chiều ngày 9/8 vừa rồi.
Đây là lần tăng giá thứ hai kể từ 28/4/2006, với mức tăng thêm sau hai lần đã lên đến 13.000 đồng/lít, ngư dân Cà Mau tiếp tục đối mặt với nguy cơ phá sản.
Còn ở Kiên Giang, Giám đốc Sở Thủy sản Huỳnh Văn Gành trăn trở: “Toàn tỉnh với hơn 7.000 tàu thuyền mỗi năm tiêu thụ khoảng 300 triệu lít dầu, giá dầu lần này tăng 850 đồng/lít, cộng với hai lần tăng giá trước đây thì coi như ngư dân Kiên Giang mất 1.200 tỉ đồng/năm đưa vào chí phí sản xuất”.
Theo Nhóm PV
Báo Lao động