“Xăng của tôi, tôi bán làm sao kệ tôi chớ!”
(Dân trí) - Đó là câu trả lời của một chủ cây xăng tư nhân trước tình trạng bán hàng cầm chừng tại cây xăng này.
Chúng tôi đã khảo sát các cây xăng dọc tuyến Quốc lộ 1A (từ vòng xoay An Lạc cho đến An Sương), tuyến Xa lộ Hà Nội (từ Suối Tiên cho đến cầu Sài Gòn), Tỉnh lộ 10 nối TPHCM với Long An, đường Trường Chinh (qua các quận 12, Tân Phú, Tân Bình)... Trên những tuyến đường này, hầu hết các cây xăng đều hoạt động bình thường.
Trên các tuyến này, chúng tôi chỉ phát hiện một cây xăng thuộc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Long trên Tỉnh lộ 10 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) là dùng hàng rào lưới sắt rào lại, không bán hàng. Tuy nhiên, người dân xung quanh cho biết cây xăng này đã đóng cửa nhiều ngày nay và đang tiến hàng trang trí, sửa chữa lại biển hiệu.
Các cây xăng đóng cửa nghỉ bán hoặc treo biển hết xăng trong lần chuẩn bị tăng giá đợt trước như cây xăng Minh Trung (QL13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), cây xăng Cát Tường (quận 12), cây xăng Ngọc Đến (Bình Thạnh)… vẫn hoạt động bình thường, không tái diễn cảnh treo biển “hết hàng” hay “cúp điện” như lần trước.
Tuy nhiên, khá nhiều cây xăng hạn chế lượng hàng bán ra bằng cách giảm hẳn số nhân viên phụ trách bán hàng. Ngày thường, tại các cây xăng trên đường Trường Chinh, mỗi trụ bơm xăng đều có 1 nhân viên bán hàng. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 27/8, mỗi nhân viên bán xăng phụ trách đến 2, 3 trụ bơm xăng. Thậm chí có cửa hàng có 4 – 8 trụ bơm nhưng chỉ có 1 nhân viên bán hàng.
Trưa ngày 27/8, Đội Quản lý thị trường Tân Phú cũng phát hiện cây xăng chi nhánh số 23, công ty CP Vật tư xăng dầu (1/1 Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú) tìm cách giảm bớt hàng bán ra bằng thủ đoạn trên. Tại cây xăng này có đến 8 trụ bơm nhưng chỉ có 1 nhân viên bán hàng. Theo giải thích của quản lý cây xăng thì nhân viên nghỉ đi.. ăn cơm nên lực lượng chức năng cũng không có cơ sở để xử phạt.
Khi được hỏi tại sao lại giảm số nhân viên bán hàng so với ngày thương, một chủ cây xăng tư nhân bức xúc: “Xăng của tôi thì tôi bán làm sao kệ tôi chớ!”. Sau một lúc, vị này giải thích: “Hầu hết các cây xăng tư nhân đều có bồn chứa khoảng 10.000 lít thôi. Dù có “găm” hết hàng lại thì khi xăng tăng 1.000 đồng/lít chúng tôi cũng chỉ lời chừng chục triệu thì có bù lại cái khoản lời buôn bán hàng ngày đâu mà “găm” làm gì!”.
Theo vị này, cái chính là khi có tin đồn chuẩn bị tăng giá xăng, người dân dù không ồ ạt đi mua xăng dự trữ nhưng những người gần hết xăng trong xe đều có tâm lý đi đổ đầy bình nên lượng người mua tăng cao hơn bình thường. Khi lượng xăng bán ra tăng đột biến thì xăng trong định mức phân phối hàng tháng của cây xăng rất nhanh hết. Mà thời điểm xăng chuẩn bị tăng giá thì việc nhập hàng ngoài định mức đăng ký rất khó khăn, đại lý tìm mọi cách để thoái thác hoặc hoãn giao hàng.
Vị này cho biết: “Đến lúc hết hàng mà không được nhận hàng mới thì chỉ có nước nghỉ bán. Mà mình treo biển hết hàng thì không chỉ bị báo chí chụp hình, quản lý thị trường kiểm tra mà còn dễ mất khách quen nữa. vậy chỉ còn cách bán cầm chừng thôi”.
Theo ông chỉ có đại lý nhập khẩu mới muốn “găm hàng” thôi, bởi họ mới là người chịu rủi ro về chênh lệch giá nhập khẩu và giá bán lẻ. Ông phân tích: “Chúng tôi bán xăng ăn hoa hồng theo lít, ai chẳng muốn bán nhiều. Lúc xăng chuẩn bị tăng giá, ai chẳng muốn bán nhanh rồi nhập hàng mới. Anh nghĩ coi, nếu tôi hết hàng sáng nay, trưa đại lý phân hàng cho tôi liền với giá chưa tăng, chiều xăng tăng giá thì tôi lời hay lỗ?”.
Tùng Nguyên - Thảo Trần