Xâm nhập thị trường EU: Doanh nghiệp Việt đừng “ăn xổi”

(Dân trí) - Thị trường Liên minh Châu Âu (EU) là một thị trường mở có chung hành lang pháp lý, nếu đáp ứng được, doanh nghiệp Việt sẽ “vớ bở”. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ cần bỏ tư duy ăn xổi ở thì, cần đánh lớn, làm lớn và có chiến lược thị trường tốt.

Tại hội thảo bàn về “Thị trường EU- Cơ hội và thách thức mới” trước bối cảnh Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU và Việt Nam sắp được ký kết, vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia EU và Việt Nam đều đưa ra các đánh giá và góc nhìn về hiện trạng xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Vấn đề không mới, nhưng những thách thức trước đặt ra đã cấp bách để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thức tỉnh trước thời cơ mới, thách thức mới.

Thủy sản hiện là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU
Thủy sản hiện là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Vẻ đẹp mê hoặc của khách sạn “núi lửa”
* Bảo Tín Minh Châu bị “tố” bán vàng giả cho khách hàng
* Vì sao bệnh viện 40 triệu USD bỏ hoang?
* Việt Nam sắp vào sân chơi với các "đại gia"
* Không chịu trả nhà ở công vụ, sẽ cưỡng chế
* “Mỹ có thể bán máy bay do thám P-3 cho Việt Nam”
* Lương ‘khủng’ lãnh đạo tập đoàn: Mới chỉ phần nổi

Lời nhiều nhưng là “ăn đong”

Mặc dù năm 2013 và 8 tháng 2014, EU là thị trường đem lại kim ngạch lớn nhất và lớn thứ 2 cho xuất khẩu Việt Nam tính về giá trị. Tuy nhiên, các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đều nhìn nhận: các DN Việt Nam mới chỉ “ăn đong” - xuất khẩu ồ ạt số lượng lớn, sản phẩm thô, giá rẻ để kiếm lời, chưa có chiến lược xâm nhập thị trường bài bản, lâu dài.

Theo đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), hiện tượng “ăn đong” là việc hàng hóa gắn mác, thương hiệu Việt Nam không có hoăc có rất ít tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở EU. Nó khác so với con số giá trị kim ngạch cũng như khối lượng xuất khẩu khổng lồ hàng Việt Nam vào EU.

Theo thống kê, Việt Nam luôn khai thác mạnh thị trường EU bởi giá trị thị trường lớn. Năm 2013, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam về giá trị kim ngạch, đạt 24,65 tỷ USD, chiếm khoảng 18,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cả năm 2013, Việt Nam thặng dư thương mại tại thị trường EU khi nhập khẩu chỉ bằng hơn 1/3, chúng ta thặng dư hơn 15 tỷ USD. 8 tháng qua, EU đang là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam đạt 17,9 tỷ USD, chiếm khoảng 18% kim ngạch cả nước, trong khi nhập khẩu chỉ 5,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện rất nhiều các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU là sản phẩm thô, xuất nguyên liệu không có bao bì, nhãn mác. Điều này khiến các DN Việt tự hào nhưng người tiêu dùng Châu Âu không biết đó là sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Một DN nói vui là chúng ta đang bán được giá cao, nhưng chúng ta đang “bán linh hồn” của sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam nhưng được gắn mác, đóng gói bởi 1 công ty nước ngoài. Đây là điều rất nguy hại bởi trong quy tắc điều tra xuất xứ hàng hóa để được ưu đãi theo thỏa thuận FTA, các nhóm hàng, sản phẩm của Việt Nam không sớm đăng ký thương hiệu, mẫu mã và chỉ dẫn địa lý, chúng ta sẽ bị mất thương hiệu, không thể vào thị trường này bằng chính tên của mình.

Theo nhiều chuyên gia từ Châu Âu hiện nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất sang Ấn Độ, các DN Ấn đóng gói, chế biến và xuất khẩu sang EU. Tương tự như thế, đã có nhiều công ty của Đức nhập khẩu hạt điều dưới dạng thô và chế biến thành thương hiệu chuỗi sản phẩm của họ để đưa vào thị trường các nước EU khá.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng - Cục Chế biến Nông Lâm Thuỷ sản và Nghề muối cho hay: Gạo VN chưa xuất hiện nhiều tại châu âu. Mặt hàng ca cao phù hợp với EU nhưng Việt Nam chưa có khả năng chế biến để xuất khẩu trực tiếp. Mặt hàng cà phê 90% vẫn XK thô, chè giá quá thấp so với các nước trên thế giới…

Muốn đi xa, phải tính đường dài

Kỳ vọng hiệp định thương mại song phương (FTA) Việt Nam – EU trong năm nay được ký kết, theo đó hàng hóa Việt Nam sẽ được rộng cửa vào thị trường 28 quốc gia với dân số nửa tỷ người. Đặc biệt, đây là thị trường chung nên các quy định, điều khoản chung nhất áp dụng cho tất cả quốc gia. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, DN Việt chỉ cần thuộc luật và làm theo luật sẽ có được thứ mà mình cần

FTA giữa Việt Nam và EU, các cam kết gỡ bỏ thuế quan đối với nông - thủy sản và các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được gỡ bỏ; DN Việt được tiếp cận sâu hơn thị trường nông sản - vốn là thị trường nhạy cảm của EU. Trái lại EU sẽ được tiếp cận thị trường bán lẻ Việt Nam, cung cấp dịch vụ tài chính…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, FTA đang mở cơ hội chưa từng có, lớn hơn cả các thị trường Mỹ, Nhật về giá trị. Tuy nhiên đây là thị trường rất khó tính, DN Việt sẽ có vướng mắc từ tiếp cận thị trường, giữ vững thị trường, cạnh tranh và cuối cùng thống lĩnh thị trường ấy. Về tiếp cận thị trường, không dễ cho Việt Nam bởi khi chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ - tức là họ chỉ công nhận 1 phần. Theo nguyên tắc của WTO, các DN bản địa có quyền kiện chống bán phá giá, áp đặt hàng rào phi thuế như: an toàn vệ sinh thực phẩm (SPS) và hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT). Sẽ cực khó để DN Việt có thể bước qua đây nếu bị kiện.

Bên cạnh đó, Nghị viện Châu Âu chưa công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường đầy đủ, đó chính là lý do các DN Việt sẵn sàng bị đáp trả các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào 1 thị trường, khiến 1 ngành của nước sơt tại có nguy cơ bị cạnh tranh yếu. Theo đại diện của Eurocham, các DN Việt Nam cần có chính sách xâm nhập thị trường phù hợp, tránh đổ bộ và 1 thị trường, 1 sản phẩm cụ thể.

EU là một thị trường chung, tất cả hàng hoá XK sang EU phải tuân thủ luật lệ một cách minh bạch để có thể bán ở 28 quốc gia trong EU. 28 nước này là thực thể chung và có bộ quy tắc luật nhất định trong EU, tất các thành viên tuân thủ và tin tưởng lẫn nhau.

Hiện điểm mạnh và lợi thế của hàng Việt Nam là giá rẻ. Tuy nhiên, khi các kết FTA được thực thi thì giá không còn được xem là thế mạnh, chính chất lượng và thương hiệu sản phẩm mới là yếu tố cạnh tranh khi sân chơi FTA công bằng cho tất cả hàng hóa. Các thị trường EU có sự ngặt nghèo về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, an toàn sản xuất và nguồn gốc sản phẩm nên nếu mức giá bán quá rẻ, bỏ qua các yếu tố đảm bảo về tiêu chuẩn, chắc chắn hàng hóa sẽ bị phạt và nguy cơ mất thị trường rất cao.

Mặc dù thị trường chung, nhưng cầu thị trường tại các nước lớn của EU vẫn khác biệt, các DN Việt đang đánh lớn, đánh mạnh vào các thị trường Đức, Pháp, Ba Lan và Đông Âu… Đây cũng là điểm tích cực vì có cộng đồng người Việt đông và có truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, tập trung quá nhiều vào 1 thị trường, xuất khẩu ồ ạt 1 sản phẩm sẽ khiến nguy cơ nước sở tại áp dụng các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ông Martin Buckle, chuyên gia nhóm CBI trực thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan: Chính vì thế, lời khuyên cho các DN Việt Nam là: cần so sánh tương quan sản phẩm thế mạnh của mình đem đi xuất khẩu và sản phẩm của họ cần. Khai thác vào dòng sản phẩm họ cần, người tiêu dùng thiếu, tránh những sản phẩm bản địa tương tự, có sẵn. Các nước EU có 1 chính sách chung, 1 quy tắc chung, nếu DN Việt lọt vào và hoạt động trơn chu sẽ có cơ hội làm ăn lâu dài, còn nếu bị cấm cửa ngay khi mới tìm hiểu, rất khó để có cơ hội làm lại lần 2.

Nguyễn Tuyền
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”