Xài sang bằng tiền ngân sách

Phần lớn các dự án bị đình hoãn là do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm thiết bị đắt tiền, không phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh chính

Mặc dù đến thời điểm này, số liệu về cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công còn có sự khác nhau giữa các bộ, ngành liên quan nhưng những con số được nêu ra đã phản ánh việc đầu tư dàn trải, lãng phí của một số doanh nghiệp (DN), tập đoàn kinh tế Nhà nước.

 

Cắt giảm hơn 80.000 tỉ đồng

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), tính đến cuối tháng 8/2011, tất cả các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đều đã thực hiện và có báo cáo về kết quả cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2011.

 

Cụ thể, cả nước đã thực hiện ngừng khởi công, cắt giảm, điều chuyển vốn của 2.103 dự án với tổng số vốn là 6.532 tỉ đồng, trong đó ngừng khởi công 1.206 dự án với số vốn 3.768 tỉ đồng; cắt giảm, điều chuyển vốn của 897 dự án với số vốn 2.764 tỉ đồng.
 
Xài sang bằng tiền ngân sách - 1
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phải cắt giảm 4.787 tỉ đồng đầu tư công trong năm nay.

 

Còn về kế hoạch cắt giảm, số liệu tổng hợp của Bộ KH-ĐT cho biết đến hết tháng 5-2011, tổng số vốn đầu tư dự kiến cắt giảm, điều chuyển của cả năm là 80.550 tỉ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2011.

 

Khu vực cắt giảm đầu tư nhiều nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Chỉ riêng khu vực này đã thực hiện cắt giảm gần 40.000 tỉ đồng, bằng 10,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2011 (349.848,4 tỉ đồng).

 

So với tổng vốn đầu tư của nhiều tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), số tiền cắt giảm đầu tư là thấp nhưng con số tuyệt đối lại khá lớn. Cụ thể, EVN cắt giảm số vốn lên tới gần 12.160 tỉ đồng, PVN cắt giảm 7.251,6 tỉ đồng, TKV cắt giảm 4.787 tỉ đồng, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông cắt giảm 3.000 tỉ đồng…

 

Đáng lưu ý là theo Bộ KH-ĐT, phần lớn các dự án bị đình hoãn (tổng số tới 907 dự án) là do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm thiết bị đắt tiền, không phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trong số này có không ít trường hợp dự án khởi công năm 2011 nhưng chưa đủ điều kiện đầu tư như chưa rõ nguồn vốn, chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng...

 

Trụ sở đẹp, bệnh viện xuống cấp

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ ý lo ngại khi qua việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 cho thấy tiền từ ngân sách Nhà nước vẫn bị tiêu xài lãng phí.

 

Đối với DN, mục đích quan trọng nhất là phải tạo ra lợi nhuận từ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các DN Nhà nước còn có nhiệm vụ chính trị khác, tùy lĩnh vực hoạt động nhưng xây trụ sở to, văn phòng đẹp, mua sắm thiết bị đắt tiền không phải là những hoạt động vì mục đích nói trên.

 

Các DN Nhà nước hằng năm vẫn lập dự toán xây trụ sở, mua sắm thiết bị để nhận vốn đầu tư từ ngân sách, trong khi ở rất nhiều địa phương trong cả nước, người dân phải đu dây để vượt sông, học sinh phải bơi qua suối để đến trường vì không bố trí được vốn xây cầu, làm đường là nghịch lý cần giải quyết. Việt Nam là nước còn nghèo, phải vay nợ nước ngoài để đầu tư phát triển hạ tầng thì cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng mọi cách.

 

Không nên tái diễn cảnh trụ sở DN đẹp nhưng trạm xá, bệnh viện xuống cấp. “Có những công trình mang dấu ấn lớn của đất nước như cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ đi vào sử dụng, cả ngàn người dân sinh sống hai bên bờ sông hân hoan dự lễ thông xe nhưng phải nhiều năm mới bố trí được vốn”- TS Lê Đăng Doanh nói.

 

 Trong các tập đoàn, EVN là đơn vị cắt giảm đầu tư nhiều nhất. EVN cũng đứng đầu danh sách DN Nhà nước thua lỗ. Nhiều trường hợp không phải DN cắt giảm đầu tư mà là chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác. Vấn đề này cần làm rõ, nhất là trong các DN Nhà nước  đang làm ăn thua lỗ.

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

 

Theo Phương Anh

NLĐ