1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

WTO: Nước đến chân chưa biết nhảy thế nào

Việt Nam sẽ chính thức gia nhập WTO vào đầu tháng 11/2006. Chúng ta vẫn nói về thói quen “nước đến chân mới nhảy”, nhưng trong tình thế này thì phải nói là nước đến chân vẫn chưa biết nhảy thế nào.

Trong khi những thông tin như thử bom hạt nhân ở Triều Tiên, đảo chính ở Thái Lan, hay đâm tàu ở Pháp được cung cấp hết sức nhanh chóng và chi tiết, thì những thông tin về nội dung các thỏa thuận thương mại, có quan hệ hết sức thiết thực đến từng doanh nghiệp, từng cơ quan, từng người dân, lại còn quá lờ mờ.

 

Chỉ có Việt Nam cần thông tin?

 

Hiện nay, 150 nước thành viên của WTO đã chiếm trên 90% thương mại thế giới. Nói cách khác, 90% thế giới đã quá hiểu luật chơi và đã đang chơi theo luật, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý Việt Nam, và người dân Việt Nam chưa được biết.

 

90% thế giới đều hiểu vị trí của họ ở đâu, mạnh yếu như thế nào, phải cạnh tranh với ai và hợp tác với ai, lộ trình phía trước như thế nào. Còn mới năm trước đây, ở TPHCM vẫn còn một cuộc khảo sát: Bao nhiêu người hiểu được chữ WTO là viết tắt của cái gì! Thông tin bất cân xứng như vậy, chúng ta sẽ chơi với thế giới như thế nào?

 

TS. Lê Đăng Doanh: Gia nhập WTO, rất cần một cuộc “tổng kiểm tra sức khỏe” của tất cả các ngành, các tỉnh, thành phố, của mỗi một doanh nghiệp, của từng sản phẩm, dịch vụ để biết ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới, mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức ở đâu. (Nguồn: TBKTSG)

Không chỉ là thông tin. Các văn bản luật của chúng ta đều phải qua hàng loạt các nghị định, thông tư, chỉ thị… mới đi vào hiện thực được. Cũng như vậy, các thỏa thuận quốc tế cũng đầy những thuật ngữ kỹ thuật mà không có các “văn bản dưới luật” thì ngoài các chuyên gia đi đàm phán, chẳng mấy ai hiểu được đầy đủ, chưa nói chuyện là áp dụng, chưa nói chuyện là phải có biện pháp ứng phó.

 

Cũng không phải chỉ doanh nghiệp mới cần thông tin. Hàng loạt các văn bản nhà nước vẫn chưa ban hành vì còn chờ thông tin về WTO. Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ chính sách  thương mại đa biên (Bộ Thương mại) cũng cho biết: Riêng với khu vực quản lý nhà nước, việc gia nhập WTO sẽ mang đến một thách thức mới, bởi việc gia nhập WTO đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có năng lực nhất định để tuân thủ được các hiệp định trong WTO.

 

Vậy tình trạng nước đến chân vẫn chưa nhảy là do đâu?

 

Từ phía chính phủ: có phải thông tin nhạy cảm?

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Tôi có hỏi các đồng chí trong đoàn đàm phán, sao gọi hai bên cam kết không công bố trước khi ban công tác đa phương thống nhất ý kiến với các thành viên đã ký kết. Vậy thì từ nguồn nào mà ngay Sứ quán Mỹ ở tại Hà Nội cũng đưa tin? (Nguồn: Thanh niên)

Trong khi những thông tin phía “ta” chưa công bố, thì chính trên diễn đàn của Bộ Thương mại, các thành viên đã trao đổi cho nhau các thông tin về nội dung thỏa thuận, tất nhiên là từ nguồn… nước ngoài. Tình trạng này đã thấy từ hồi ký Hiệp định thương mại với Mỹ (BTA) và đang có khả năng lặp lại với thỏa thuận gia nhập WTO.

 

Đầu tháng 7/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải ký nghị quyết 13/2006 yêu cầu phổ biến rộng rãi các thỏa thuận đã ký kết, và chỉ thị các Bộ ngành phải nêu rõ những khó khăn thuận lợi khi gia nhập WTO.

 

Bộ Tài chính đã “tiên phong” trong việc đầu tháng 7/2006 cung cấp các cam kết gia nhập WTO của ngành tài chính như bãi bỏ trợ cấp, giảm thuế nhập khẩu, mở cửa dịch vụ tài chính… Tuy nhiên, các thông tin chỉ dừng lại ở cấp vĩ mô. Chẳng có biểu thuế chi tiết để các doanh nghiệp cụ thể hiểu thuế của ngành mình sẽ là bao nhiêu, bao giờ sẽ áp dụng…

 

Doanh nghiệp: trước đây trông chờ bảo hộ?

 

Việc thay đổi chiến lược đầu tư và kinh doanh cụ thể của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp cần thời gian nhiều năm. Thế nhưng tại sao đến phút chót chúng ta mới biết thông tin để ngành nào cũng sẽ kêu “không kịp điều chỉnh”.

 

Từ nhiều năm, chúng ta đã có cơ hội tìm hiểu luật chơi của WTO, nhưng mỗi ngành vẫn hy vọng mình sẽ được “ngoại lệ”. Và mỗi ngành vẫn tích cực vận động chính phủ để xin được ưu tiên. Phải chăng tâm lý “xin cho” đã ăn sâu vào đến cả quá trình hội nhập quốc tế?

 

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Hiện nay, giá hầu hết các nông sản Việt Nam đều đắt hơn hàng nước ngoài mà chất lượng lại không bảo đảm… Nhà nước chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu các biện pháp làm giảm giá thành sản xuất nông sản. (Nguồn: Vneconomy)

Đơn cử ngành mía đường, rất nhiều thông tin nêu nguy cơ khi phải bãi bỏ hạn ngạch nhập đường và giảm thuế nhập khẩu xuống 0 - 5%, các nhà máy đường sẽ nguy kịch. Nhưng từ năm 1995 chúng ta đã nộp đơn gia nhập WTO, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu là phải cạnh tranh với đường của thế giới (cụ thể là của Thái Lan) như thế nào, có thể đã không có những khoản đầu tư ồ ạt để đến giờ lâm nguy như vậy.   

 

Nhiều loại nông sản Việt Nam kém khả năng hội nhập. Điều này từ lâu đã biết. Nhưng thay vì tích cực tìm biện pháp tăng khả năng cạnh tranh, phải chăng vẫn có hy vọng WTO sẽ ưu tiên cho nông sản Việt Nam? Phải chăng chương trình bò sữa, ra đời sau khi Việt Nam nộp đơn vào WTO, cũng là sản phẩm của hy vọng “sẽ được ưu tiên”?

 

Tình trạng tương tự cũng thấy với các ngành xi măng, thép, vật liệu xây dựng, kính xây dựng, ôtô, xe máy… Tuy kém khả năng cạnh tranh với hàng của thế giới, nhưng các ngành vẫn một tay tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tay kia tích cực vận đông xin bảo hộ.

 

Doanh nghiệp: hiện nay tiếp tục đợi chờ

 

TS. Lê Đăng Doanh: Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là quy mô vừa và nhỏ… đến nay vẫn chưa nắm rõ được các cam kết hay luật chơi của WTO. Với cung cách này, hội nhập sẽ rất nguy hiểm. (Nguồn:  Vnexpress)

Ai sẽ được bảo hộ, ai không được, đến giờ này chắc chắn đã có kết luận. Và doanh nghiệp đang chờ nghe lời phán quyết.

 

Tuy nhiên, do không có đủ thông tin, nên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tự mình suy đoán mò, hoặc tiếp tục chờ đợi nước đến chân.

 

Mấy ai trong họ có hiểu là không còn quy định các doanh nghiệp FDI phải xuất khẩu một tỉ lệ sản phẩm, cạnh tranh nào sẽ đến ngay từ người ở ngay sát vách mình? Mấy ai hiểu khi các cam kết với WTO trái với các qui định hiện hành, khi nào sẽ áp dụng theo WTO và khi nào sẽ theo qui định hiện hành?

 

Cũng cần thấy là trong khi các công ty nước ngoài không chỉ đầy kinh nghiệm quốc tế, mà họ còn có thể chi hàng chục tỷ đồng để khảo sát nghiên cứu thị trường Việt Nam. Còn các doanh nghiệp Việt Nam, mấy ai có khả năng chi tiền đến thế để tìm hiểu thị trường của đối thủ?

 

WTO có còn bị coi là tai họa?

 

Thế giới này còn bao cuộc biểu tình phản đối WTO. Tất cả đều từ những người không chuyển đổi kịp sang những ngành có khả năng cạnh tranh. Còn Việt Nam, chẳng ai buộc chúng ta phải gia nhập WTO. Trong số 150 nước đã gia nhập WTO, cũng chẳng thấy ai xin ra. Thông qua những nỗ lực vừa qua, có thể thấy Chính phủ đã hiểu rõ lợi ích tổng thể của việc gia nhập WTO. 

 

Nhưng thông tin chậm làm cho những người được lợi từ WTO, không phải ai cũng hiểu là mình được lợi. Còn những người sẽ chịu thiệt khi vào WTO, cũng bồn chồn lo lắng mà chẳng biết phải làm gì.

 

Chính vì vậy mà đã có nhiều ví von coi WTO là một cơn lũ. Nhưng WTO không phải chỉ tràn qua chốc lát rồi mọi thứ trở lại như cũ. WTO không phải chỉ tàn phá. Có thể ví gia nhập WTO như mở thông hồ nhỏ ra biển lớn. Thuyền sẽ ra khơi xa. Nước biển sẽ thay cho nước hồ. Tất cả mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng để sống chung với biển. Chuẩn bị càng sớm, càng chi tiết, càng hạn chế được những rủi ro và càng thu hoạch được từ biển lớn.

 

Theo Bùi Văn

VietNamnet