WTO không giúp được Việt Nam trong kiện bán phá giá?

(Dân trí) - Mặc dù đã gia nhập WTO nhưng tư cách thành viên tổ chức này chưa thể giúp cho Việt Nam trong xử lý các vụ kiện bán phá giá vì hiện nay Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường.

WTO hoàn toàn bất lực

Ông Adam Mc Carty, Viện nghiên cứu kinh tế Mê Kông cho biết: Khi bị điều tra chống bán phá giá, yếu tố kinh tế thị trường hay phi thị trường sẽ được xem xét.

Nếu Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường thì trong các vụ kiện bán phá giá, giá trị tính toán sẽ phụ thuộc vào giá của một nước thay thế tương tự để xác định, và thuế bán phá giá của nước nào cao hơn sẽ được áp dụng.

Đây là khiến các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị bất lợi. Cụ thể là trong vụ kiện cá tra, ba sa, mặc dù giá bán trong nước là thấp hơn giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng VN vẫn bị coi là bán phá giá vì giá bán sang Mỹ rẻ hơn giá thành sản xuất của nước tham chiếu là Ấn Độ.

Mặc dù WTO có thể phân xử các tranh chấp về bán phá giá nhưng do WTO không có một định nghĩa rõ ràng rằng nền kinh tế phi thị trường là gì, không có một phương pháp đo lường. Điều này khiến cho WTO hoàn toàn bất lực trong việc giải quyết các cách tiếp cận tuỳ tiện của các nước khởi kiện.

Hiện nay, để xác định nền kinh tế thị trường Mỹ có 6 tiêu chí nhưng không được nghiên cứu cẩn thận, EU có 5 tiêu chí nhưng không có sự minh bạch công khai trong nghiên cứu. Hàn Quốc, Ấn Độ... lại có những tiêu chí khác.

Trong khi đó, 10 mặt hàng có nguy cơ bị kiện bán phá giá lại có rất nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam: đồ gỗ, da giày, dệt may, thuỷ sản...

Chứng minh nền kinh tế thị trường không chỉ nhằm đối phó

Theo quan điểm Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên, không nên coi việc chứng minh kinh tế thị trường chỉ là nhằm thoả mãn các yêu cầu của bên ngoài. Sự công nhận nền kinh tế thị trường nhiều khi mang màu sắc chính trị, VN cần phát triển nền kinh tế thị trường vì chính yêu cầu nội tại của mình.

Việc cứ đi lo chứng minh với quốc tế mình là kinh tế thị trường để các vụ kiện đạt kết quả tốt thì chỉ mang tính kỹ thuật, đối phó nhiều hơn.

“Cần phải hiểu rằng, cải cách theo hướng thị trường là để các hệ thống thị trường phát triển tốt hơn, không để xảy ra tình trạng, thị trường chứng khoán, nhà đất bùng lên rồi lại tụt xuống ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hãy để các thị trường liên thông với nhau tốt hơn, các doanh nghiệp không còn bị phân biệt đối xử, ưu ái quá mức... Khái niệm kinh tế thị trường là như vậy", ông Thiên khẳng định.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho hay, các vụ kiện bán phá giá thường gia tăng khi cùng với gia nhập WTO, xuất khẩu sẽ gia tăng tại nhiều thị trường. Vì thế, VN cần phải nỗ lực hơn nữa để được công nhận là nền kinh tế thị trường, điều này đặc biệt hữu ích với những ngành công nghiệp dễ gặp rủi ro.

Nhưng theo ông Adam Mc Carty thì ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ kiện về việc chống bán phá giá, cách tốt nhất là Việt Nam nên tập trung “phòng vệ tốt hơn”.

Cụ thể là Bộ Công Thương cần có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại giỏi hơn, các khu vực tư nhân cũng vậy; Nâng cao nhận thức công chúng; Xây dựng hệ thống tự vệ hiệu quả hơn, từ giám sát đến gỡ bỏ thu phí; Nghiên cứu dài hạn và chiến lược lobby.

Lan Hương